Trong aikido, việc tập trung vào nhất điểm - còn được gọi là tanden-kiai (đan điền khí hải) hoặc là seika-no-itten (tề hạ nhất điểm) - là điểm quan yếu trong việc luyện khí. Buổi sáng mùa thu vùng quê Iwama trời mát dịu. Đại sư Ueshiba thoăn thoắt bước trên con đường dốc thoai thoải. Bên tay phải triền đồi dựng ngược, những cây thông xanh lá đứng như xếp hàng, tiếng gió vi vu.


“A a a i i i i!!...”. Rinjiro và người bạn đồng môn, một chàng trai dân địa phương, chưa kịp định thần thì đã nghe một tiếng thét lanh lảnh. Cả hai
cùng la lên: “Sư phụ!”. Đúng là tiếng thét của đại sư Ueshiba. Ông vừa rẽ vào khúc quanh, vượt khỏi tầm mắt của hai đệ tử thì xuất hiện ba gã đàn ông dáng người vạm vỡ, ăn mặc giống dân tứ chiến miền núi quanh vùng. Tên đi đầu, mày rậm rạp, râu quai nón chẻ đôi, chẳng nói chẳng rằng nhảy bổ vào, hai tay nắm một khúc gỗ có hình dáng như một chày vồ của thợ vữa, vung cao và phạt mạnh xuống đỉnh đầu đại sư Ueshiba.

Hai môn sinh chỉ kịp thấy thầy mình đưa hai tay lên cao như che đầu, rồi đột nhiên ông xoay người như một bông vụ và thụp xuống, gần như ngồi trên hai gót chân chéo nhau. Trên tay ông là cái chày vồ nặng trĩu và tên nam tử râu xồm thì lăn lông lốc xuống triền đồi phía tay trái.


Đại sư dần dần đứng lên, một tay cầm chiếc chày giơ lên cao. Ông gầm lên một tiếng. Hai tên vô lại còn lại chứng kiến thần lực của vị thầy già và cảnh thủ lĩnh mình bị ném xuống triền đồi liền không ai bảo ai, xoay người chạy thục mạng.

Với một cây jo, tổ sư Ueshiba tiến hành nghi thức Misogi (Tẩy sạch) theo úng nghi lễ Thần đạo (Shinto) Shigeru, người bạn đồng hành của Rinjiro, lo lắng nhìn xuống dưới đồi. Tên râu xồm chẻ đôi vừa chỏi dậy, lấm lét nhìn đại sư
Ueshiba rồi một tay ôm vai, lần mò về phía đám cây rậm rạp phía dưới.

Sư phụ xoay lại nhìn hai đệ tử và đưa cây chày vồ cho Shigeru: “Tốt đấy!”. Cả hai học trò trẻ không hiểu thầy mình nói cái gì tốt, vụ hỗn chiến vừa rồi hay cây chày nặng trĩu với tay cầm nhẵn bóng.




Cả ba thầy trò lại tiếp tục cuộc tản bộ. Trong khi vị đại sư có vẻ thản nhiên thoăn thoắt bước đi thì hai đệ tử không khỏi đôi chút bồn chồn, bước chân nặng trĩu. Đây không phải là lần đầu tiên tên thân hào trong vùng tìm cách khủng bố tinh thần thầy trò Ueshiba để tranh đoạt miếng đất này.

Năm 1942 có thể xem như tổ sư Ueshiba - người đã định được pháp môn, định danh và định tánh: Aikido là tên gọi của môn phái, sẽ là “cây cầu vàng” nối kết các dân tộc trong một gia đình. Đó cũng là điểm kết thúc con đường gần 50 năm tầm sư học đạo của ông.

Vị chân sư đầu đời


Lên đường “tầm sư học đạo”...

Vốn là một đứa trẻ yếu đuối và nhỏ bé, Ueshiba Morihei được thân phụ là một viên chức tại Tanabe, cho đi luyện võ để có sức khỏe. Năm 17 tuổi, khi đến Tokyo, Morihei đã gặp được đại sư Tozawa Tokusaburo (1842-1912), thuộc môn phái Tejin Shinyo Ryu Jujutsu...

Ueshiba Morihei là một chàng trai quá khác thường. Sau một thời gian ngắn vừa lăn lộn chốn thương trường vừa nỗ lực tập luyện nhu thuật, Ueshiba ngã bệnh và phải về quê trị liệu và tịnh dưỡng.

Hồi phục sau cơn bạo bệnh, Ueshiba dồn hết tâm trí và thời gian luyện mình thành một đại lực sĩ. Với chiều cao khiêm tốn (1,57cm), cân nặng trên 80kg, Ueshiba dễ dàng chiến thắng trong các cuộc thi giã bánh giầy ở khắp vùng, đến độ không ban giám khảo nào dám nhận anh vào so tài: quá nhiều cái chày đã bị sức mạnh phi thường của Ueshiba đập vỡ.

Duyên sư đệ: hai đại sư lừng danh judo và jujutsu


Cũng vào thời điểm này, Ueshiba có cơ duyên thọ giáo với hai vị đại sư lừng danh. Một vị là Takagi Kiyoichi (sau này được phong cửu đẳng huyền đai judo, một đại sư lỗi lạc trong giới võ lâm Nhật Bản). Vị khác cũng lừng lẫy
không kém trong giới giang hồ mã thượng là Masanosuke Touboi, vị Shihan cao cấp nhất của hệ phái Goto-ha Yagyu-ryu Jujutsu.

Hai vị đại sư này không chỉ hết lòng truyền thụ võ công thượng thừa của mình cho Ueshiba mà còn chỉ ra con đường đạt võ đạo trong phép luyện công.

Ở tuổi 25, 26 Ueshiba bỗng bị những cơn đau đầu khủng khiếp hành hạ, cùng với một chứng bệnh lạ khiến anh phải nằm điều trị nửa năm. Các lương y không sao tìm ra căn bệnh.

Nhờ sức khỏe phi phàm và nhất là tình yêu của mẹ và của người vợ trẻ
Hatsu, Ueshiba đã vượt qua.

Trở lại với đời, Morihei lại lên đường “tầm sư học đạo”.


Hokkaido, ở vùng bắc nước Nhật, là một miền đất võ nổi tiếng, nhiều môn
phái đã phát sinh tại đó. Ueshiba dẫn đầu một nhóm di dân của tỉnh Kii đến
đây khai phá vùng rừng núi hoang vu cạnh ngôi làng Shirataki.

Đốn cây rừng, cày sâu cuốc bẫm, cùng với việc thay đổi phong thổ, khí hậu
đã khiến con người Ueshiba hưng phấn. Ông trở lại cường tráng như xưa.

Suốt ngày nặng nhọc thế nhưng khi mọi người nghỉ ngơi, ông lại phóng ngựa qua các cánh rừng, rong ruổi khắp các vùng lân cận tìm tòi, gặp gỡ và
học hỏi.

Ân sư Takeda Sokaku

Và Ueshiba đã gặp được Takeda Sokaku.

Đó là một buổi chiều tà, sương giăng tuyết phủ khắp vùng Engaru. Ueshiba bay xuống từ yên ngựa, động tác thật thanh thoát, uyển chuyển dù vừa vượt qua một chặng đường khá dài. Chàng cởi áo choàng, rũ mạnh tuyết và bước vào lữ quán Hisata.

Ueshiba đảo mắt nhìn quanh. Ánh đèn vàng hắt ra những vùng sáng nhợt nhạt tù mù. Từ góc phòng, một ánh mắt sáng quắc dũng mãnh chạm
vào mắt chàng. Phút chốc chàng đã nhận ra người mình cần gặp.

Từ góc phòng - Takeda Sokaku vẫn chọn chỗ ngồi kín đáo cho mình khi ở nơi công cộng - vị đại sư danh trấn giang hồ nhìn người vừa vào trong quán.

“Con có nhiều tiềm lực và năng khiếu. Ta sẽ dạy cho con”.

MoriheiUeshiba-1.jpg image by dpc888

Ông bảo chàng trai. Và Ueshiba Morihei trở thành đệ tử xuất chúng nhất
của đại sư Takedo, vị chưởng môn của môn phái Daitoryu Aikijujutsu. Năm đó, Ueshiba Morihei đã “tam thập nhi lập”.

Đại sư Takeda xuất thân từ một gia đình Samurai, tinh thâm mọi võ thuật, kể cả nhẫn thuật (ninjutsu). Và ông đã truyền thụ cho Ueshiba Morihei mọi bí quyết của mình.

Trong suốt 100 ngày học hỏi với đại sư Takeda ông tiếp nhận được một cái nhìn tổng quan về võ học, những tiềm năng và hạn chế của nó.

Nhưng dù tài ba đến đâu, dù cao thâm đến mức nào, không kiếm khách nào có thể vượt qua những giới hạn của qui luật vật lý tự nhiên.

Vị ân sư cuối cùng

Người đã giúp Ueshiba Morihei vượt qua được những giới hạn tự nhiên để đạt đến cảnh giới siêu phàm là một vị không mấy am tường về võ thuật: ngài Deguchi Onisaburo, giáo chủ của Omoto kyo (Đại nguyên giáo).

Những năm tháng Ueshiba Morihei theo thọ giáo với Deguchi Onisaburo là khoảng thời gian chuyển hóa sâu sắc nhất của Ueshiba. Sau này, nhiều lần
Ueshiba đã xác quyết: “Chính Deguchi Onisakuro đã truyền thần lực cho ta”.

Một hôm, Ueshiba đang tản bộ trong vườn tại Ayabe. Đột nhiên, giáo chủ Deguchi xuất hiện trước mặt và ra lệnh: “Xuất chiêu đi”. Ueshiba liền động thủ và vị giáo chủ của Omoto kyo bị ném bay ra xa. Tiến đến gần Ueshiba, ông nói: “Ueshiba thần lực của ngươi bằng cả 150 người”.


Cũng chính trong thời gian này xảy ra những sự kiện kỳ lạ đã đưa ông đến ý
niệm cốt lõi của võ đạo: “Võ đạo là chiếc cầu vàng nối kết mọi tâm hồn”.

Và aikido, di sản tinh thần của tổ sư Ueshiba Morihei, không gì khác hơn là
“môn võ đạo của tình thương và hòa hợp”.

BÙI THẾ CẦN