Pages

30.11.08

November 30, 2008: The Reaping - Đâu là sự thật

Thứ Bảy, ngày 14/06/2008, 18:44

The Reaping

Thị trấn tên Heaven nhưng thật chất là Hell. Bé gái bị cả thị trấn coi là ác quỷ vì đã đem đến những tai ương cho cả thị trấn lại là thiên thần, còn cả thị trấn đều là ác quỷ, vậy Katherine Winter phải làm gì? Đâu là sự thật, đâu là đúng - sai???

Đạo diễn: Stephen Hopkins

Thể loại: Kinh dị

Diễn viên chính: Hilary Swank, David Morrissey, AnnaSophia Robb, Stephen Rea...

Giáo sư Katherine Winter (Hilary Swank), người đã khám phá sự thật về những câu chuyện huyền bí dựa trên lý giải khoa học.

Katherine Winter đã phải đi dọc quanh vùng đầm lầy Louisiana trong bộ dạng lấm lem bùn đất và mái tóc vàng rối tung trên vai cố gắng tìm hiểu nguồn gốc những hiện tượng kỳ bí liên tiếp xảy ra.

Một cô gái nhỏ tên là Loren (AnnaSophia Robb) đã mang về 10 mẫu vật thể gây bệnh dịch tại một thị trấn nhỏ ven sông. Nỗi lo sợ bao trùm khắp thị trấn khi mọi người đều tin rằng thảm họa 10 dấu hiệu của thần chết theo kinh thánh đã quay trở lại: dòng sông đỏ máu, gia súc chết, người nổi mụn khắp cơ thể…

Katherine và đồng sự của mình đã vào cuộc với quyết tâm chứng minh điều ngược lại. Những người dân địa phương lo lắng theo dõi từng bước đi của Katherine. Họ tụ tập trên các hè phố và thì thầm nói chuyện với nhau.

Kattherine cũng nhận được sự trợ giúp từ một cha xứ (Stephen Rea). Dựa vào việc một số món đồ trong phòng làm việc đột nhiên bốc cháy đồng loạt, ông đã cảm nhận được mối nguy hiểm đang đe dọa Katherine...

Mời bạn thưởng thức Trailer của bộ phim

Nếu không xem được video vui lòng bấm vào đây để tải và cài flash player

24.11.08

November 24, 2008: Độ trễ

http://tingilinde.typepad.com/starstuff/images/balloon_04.jpg
Hôm nay, đồng hồ sinh học của mình lại muộn hơn thực tế đến 2 tiếng. Mình cảm thấy mệt mỏi lắm rồi và muốn dừng lại để nhìn ngắm mọi vật xung quanh. Giống như cảm giác 1 thằng bé chạy nhảy tung tăng đuổi theo trái bong bóng bay hay 1 chiếc xe hơi điều khiển từ xa, nó vẫn chạy theo cái thứ nó không thể nào với tới được, mọi người ai cũng thấy ngoại trừ nó, nhưng nó ko cần lo lắng vì điều đó, trong khi mọi người đều lo lắng, vì nó cảm thấy như vậy nó rất vui và thích thú. Đến khi nó đã hết sức, ngồi thở dốc và nhìn theo trái bong bóng vẫn bay và xe vẫn chạy nhưng nó thì không còn sức đuổi theo nữa.
http://th01.deviantart.com/fs21/300W/f/2007/303/4/9/Tired____by_Gaara_nyu.jpg
Lúc dó nó sẽ theo dõi vật nó yêu thích mà không bao giờ đạt được theo 1 cách khác, cách của người mệt mỏi vì theo đuổi. Nó cảm thấy bình lặng hơn, chậm chạm hơn, suy tính hơn để làm sao chỉ cần 1 động tác có thể bắt được vật nó thik, mặc cho vật đó còn nguyên vẹn hay đã bị hủy hoại. Chẳng biết lần lột xác này, con rắn còn cơ hội lột xác lần nữa không nhưng lần này, con rắn cảm thấy quy trình lột xác diễn ra chậm chạm và khó khăn gấp 1000 lần so với lần trước. Có lẽ nó đã quá già và biết đâu trên đầu nó lại có cái sừng nhọn hoắc.
http://th01.deviantart.com/fs24/300W/i/2008/019/0/9/Tired_by_billysphoto.jpg

20.11.08

November 20, 2008: "Chuyện"

Mùa trăng đầy và nhật thực và những con ngựa đang ngủm trong chuồng

sáng tác - truyện ngắn

Tác giả: Haruki Murakami

10.08.2006

Nói cho cùng, có thể nào một con người hiểu được một một người khác trọn vẹn?

Chúng ta có thể bỏ ra nhiều thời gian và nỗ lực để tìm hiểu một người khác, nhưng cuối cùng thì chúng ta có thể đến gần được bản chất của người ấy như thế nào? Chúng ta tự trấn an rằng chúng ta thấu hiểu người kia, nhưng chúng ta có thật sự hiểu được một điều gì quan trọng về một ai khác?

Sau khi nghỉ việc ở công ty luật một tuần, tôi khởi sự suy gẫm một cách nghiêm túc về những điều như vậy. Cho đến thời điểm đó, chưa bao giờ trong đời mình tôi lại vật lộn với những vấn nạn như vậy. Và tại sao lại chưa? Có lẽ vì tôi quá miệt mài với chuyện cơm áo. Đơn giản là tôi đã quá bận rộn mà không có thời gian để suy gẫm về chính mình.

Một điều vớ vẩn đã bắt tôi khởi sự suy tư, như hầu hết những sự việc quan trọng nhất trên trần gian này đều khởi sự từ những điều lặt vặt. Một hôm sau khi Kumiko vội vã ăn điểm tâm rồi đi làm, tôi bỏ đồ bẩn vào máy giặt, dọn giường, rửa chén bát rồi hút bụi nhà. Rồi tôi ra hàng hiên ngồi bên con mèo, dò mục quảng cáo tìm việc làm và rao vặt trên báo. Tôi ăn trưa rồi đi siêu thị. Tôi mua thức ăn cho bữa tối, bột giặt, khăn giấy và giấy vệ sinh trong quầy giảm giá. Về lại nhà, tôi chuẩn bị cho bữa ăn tối, rồi nằm xuống sofa đọc sách chờ Kumiko về.

Vừa mới bị thất nghiệp, tôi cảm thấy đời sống này thật dễ chịu. Không còn phải đến sở trong các chuyến xe điện ngầm đông nghẹt người, không còn phải gặp những bản mặt mà mình không ưa. Và điều khoái nhất là tôi có thể đọc bất cứ cuốn sách nào, vào bất cứ lúc nào, mà mình thích. Tôi không biết đoạn đời nhàn tản này sẽ kéo dài được bao lâu, nhưng đến thời điểm đó thì ít nhất cũng sau một tuần. Tôi đang hân hưởng nó, và cố không thèm nghĩ gì đến tương lai. Đây là lúc nghỉ ngơi tuyệt vời nhất trong đời. Chắc hẳn nó sẽ chấm dứt vào một lúc nào đó, nhưng mặc kệ, lúc nào đến thì đến, tôi quyết định sẽ hưởng thụ cho tới bến.

Dù vậy, một chiều nọ tôi không thể chìm đắm mãi vào những trang sách vì Kumiko đi làm về muộn. Nàng chưa bao giờ về nhà sau 6.30 tối, và nếu nghĩ rằng mình sẽ về muộn dù chỉ 10 phút thôi thì nàng cũng luôn luôn báo cho tôi biết. Tính nàng là như vậy, hầu như chu đáo quá mức. Nhưng hôm đó là một ngoại lệ. Sau 7 giờ nàng vẫn chưa về nhà mà cũng không gọi phone cho tôi. Rau thịt đều đã sẵn sàng, chỉ cần nàng về là tôi sẽ nấu ngay. Nếu không có sự cố gì thì tôi đã có một bữa thịnh soạn trong trí. Tôi sẽ xào thịt bò đã xắt mỏng, củ hành, ớt xanh, giá, rồi cho thêm chút muối, tiêu, nước tương và một ngụm bia. Đây là công thức nấu ăn độc chiêu của những ngày tôi còn độc thân. Cơm đã nấu xong, súp miso đã hâm nóng, còn rau cũng đã được thái và dọn trên đĩa lớn, sẵn sàng cho vào chảo. Mọi thứ đã sẵn sàng chỉ thiếu có Kumiko. Tôi đói đến nỗi đã nghĩ đến việc nấu riêng phần của mình rồi ăn trước, nhưng tôi không muốn. Lòng nào mà làm như vậy!

Tôi ngồi vào bàn ăn, lai rai chút bia, nhấm nháp mấy cái bánh quy hẩm mà tôi tìm thấy trong tủ chứa thức ăn. Tôi ngó kim đồng hồ từ từ dịch chuyển rồi vượt qua vị trí 7.30.

Khi nàng về thì đã quá 9 giờ, trông mệt lả. Mắt nàng đỏ ngầu, a, điềm xấu rồi đây! Khi mắt nàng đỏ như thế thì luôn luôn có chuyện xui xẻo đã xảy ra.

OK, tôi tự nhủ, hãy đơn giản, điềm tĩnh, và giữ vẻ tự nhiên. Đừng kích động quá nhé.

Kumiko nói, “Em xin lỗi, việc làm này không ổn chút nào. Em đã nghĩ đến chuyện gọi phone cho anh, nhưng hết việc này lại dồn đến việc khác.”

“Chuyện nhỏ, ổn thôi mà, em đừng bận tâm .” Tôi cố giữ giọng dịu dàng. Và thật ra tôi không cảm thấy khó chịu. Tôi đã nhiều lần trải qua sự cố như thế này. Cày cuốc kiếm ăn với đời có nhiều lúc rất gay go, không dễ dàng êm ái như việc ra vườn lựa hái một đóa hồng đẹp nhất để mang đến tặng, rồi ở lại chăm sóc bà ngoại đang bị bệnh, mà nhà bà thì chỉ cách nhà bạn có hai đoạn đường. Nhiều lúc bạn phải làm những việc chết tiệt với những kẻ khó ưa, tới nỗi không có cả cơ hội để gọi điện thoại về nhà. Chỉ mất chừng 30 giây để nói rằng “Hôm nay anh sẽ về trễ.”, và máy điện thoại thì có khắp mọi nơi, vậy mà bạn chẳng thể thực hiện được.

Tôi bắt đầu nấu ăn, bật bếp ga, cho dầu ăn vào chảo. Kumiko mở tủ lạnh lấy bia, lấy cái ly trên tủ, kiểm sơ các món tôi sắp nấu, rồi ngồi im lặng bên bàn ăn. Chỉ cần nhìn nét mặt, tôi biết nàng không thấy ly bia ngon lành gì.

“Lẽ ra anh nên ăn trước một mình.” Nàng nói.

“Không sao đâu mà. Anh chưa đói lắm đâu.”

Trong lúc tôi xào thức ăn, Kumiko đi rửa ráy. Tôi có thể nghe tiếng nàng đang rửa mặt và đánh răng. Một lát sau, từ buồng tắm nàng trở ra tay cầm vật gì đó. Thì ra chúng là giấy vệ sinh và khăn giấy mà tôi đã mua ở siêu thị.

“Tại sao anh lại mua thứ này?” Nàng hỏi, giọng ngao ngán.

Tay giữ cái chảo, tôi nhìn nàng. Rồi tôi nhìn hộp khăn giấy và bịch giấy vệ sinh. Tôi không hiểu nàng đang muốn nói cái gì.

“Em muốn nói gì nào? Chỉ là giấy vệ sinh và khăn giấy thôi mà. Mình cần mà. Mình chưa hết mấy thứ đó nhưng chúng đâu có hư hỏng gì nếu mình mua để dành sẵn.”

“Không, dĩ nhiên là không hư hỏng gì. Nhưng tại sao anh phải mua khăn giấy màu xanh lơ và giấy vệ sinh in hoa?

“Anh vẫn không hiểu ý em,” Tôi cố trấn tĩnh. “Chúng đang được giảm giá. Khăn giấy màu xanh lơ đâu có làm xanh mũi em. Có gì là nghiêm trọng đâu?”

“Nghiêm trọng chứ. Em ghét khăn giấy màu xanh lơ và giấy vệ sinh in hoa. Anh không biết điều đó à?

“Không, anh đâu có biết.” Tôi nói. “Tại sao em ghét chúng?”

“Làm sao em biết được là tại sao em ghét chúng chứ? Em chỉ thấy ghét. Anh ghét mấy tấm phủ máy điện thoại, ghét bình thủy có in hoa văn, ghét quần jeans ống loe có đinh tán, ghét móng tay em được cắt giũa. Mà chính anh cũng không thể giải thích được vì sao. Đó chỉ là vấn đề sở thích.”

Thật ra thì tôi có thể giải thích lý do vì sao tôi không thích mấy cái quái này, nhưng dĩ nhiên là tôi đã không làm chuyện đó. Tôi nói, “Thôi được, đó chỉ là vấn đề sở thích. Nhưng em có chắc là trong sáu năm lấy nhau em chưa một lần mua khăn giấy màu xanh lơ và giấy vệ sinh in hoa không?”

“Chưa bao giờ. Dù chỉ một lần.”

“Thật không?”

“Thật chứ. Khăn giấy em mua không trắng thì vàng hay hồng. Và em không bao giờ mua giấy vệ sinh có in hoa. Em thấy sốc vì anh có thể sống với em ngần ấy lâu mà chẳng thèm để tâm biết điều đó.”

Tôi cũng bị sốc không kém khi nhận ra rằng trong sáu năm trời đăng đẵng mà tôi chẳng một lần dùng khăn giấy màu xanh lơ và giấy vệ sinh in hoa.

“Và tiện thể, để em nói luôn điều này,” Nàng tiếp tục. “Em ghét cay ghét đắng món thịt bò xào với ớt xanh. Anh chẳng biết điều đó à?”

“Không, anh không biết”

“À há, đúng là vậy. Và anh không thèm hỏi em vì sao. Em không chịu nổi mùi hai thứ đó xào chung trong chảo.”

“Em có ý nói là trong sáu năm trời nay không lần nào em xào thịt bò với ớt xanh?”

Nàng lắc đầu. “Em ăn ớt xanh trộn sà-lách. Em xào thịt bò với củ hành. Nhưng em chưa bao giờ nấu thịt bò và ớt xanh với nhau.”

Tôi thở dài.

“Anh chưa bao giờ nghĩ rằng điều đó là lạ à?”

“Nghĩ rằng nó lạ? Anh chả nhận ra vậy nữa kìa,” Tôi nói, ngẫm nghĩ trong một thoáng xem từ khi lấy nhau có bao giờ tôi ăn món xào nào mà trong đó có thịt bò với ớt xanh. Dĩ nhiên, tôi chẳng thể nào nhớ ra.

Nàng nói, “Anh sống với em suốt ngần ấy năm nhưng anh chẳng hề quan tâm gì đến em. Anh chỉ nghĩ đến thân anh thôi.”

“Này, gượm đã.” Tôi tắt ga, đặt cái chảo xuống bếp. “Hãy khoan nói quá trớn nhé. Có thể em đúng. Có lẽ anh quan tâm không đủ đến những thứ như khăn giấy với lại giấy vệ sinh, và thịt bò với lại ớt xanh. Nhưng điều đó không có nghĩa là anh đã không quan tâm đến em. Anh đếch cần để ý đến khăn giấy của anh màu gì. OK, nếu là màu đen thì anh không chịu nổi, nhưng trắng, hay xanh thì chẳng có vấn đề gì. Thịt bò và ớt xanh cũng vậy. Xào chung hay riêng, ai mà lấy làm điều? Món bò xào ớt xanh có thể biến mất khỏi mặt địa cầu này mà chẳng hề dính dáng gì tới anh. Nó cũng chẳng dính dáng gì tới em, tới bản chất của em, tới những thứ làm cho Kumiko là Kumiko. Anh nói có sai không nào?

Thay vì trả lời tôi, nàng nốc hai ngụm cạn ly bia rồi ngó sững cái ly rỗng.

Tôi trút cả chảo đồ xào vào thùng rác. Quá đủ với thịt bò với ớt xanh với củ hành với giá sống rồi. Quái đản. Mới phút trước là món ăn thơm ngon, phút sau đã là rác rưởi. Tôi mở chai bia, dốc vào miệng.

“Tại sao anh đổ đi?” Nàng hỏi.

“Em ghét nó mà.”

“Nhưng lẽ ra anh ăn được mà.”

“Đột nhiên anh đếch khoái thịt bò với ớt xanh nữa.”

Nàng nhún vai. “Anh làm cái quái gì mà anh khoái thì cứ làm.”

Nàng đặt tay lên bàn chống lấy khuôn mặt. Nàng ngồi yên như thế một lát. Tôi có thể thấy nàng không khóc cũng không ngủ. Tôi ngó cái chảo không, ngó Kumiko, rồi nốc cạn chai bia. Điên rồ. Ai cần quái gì đến giấy vệ sinh và ớt xanh?

Nhưng tôi bước lại đặt tay lên vai nàng và nói, “OK, giờ anh hiểu rồi. Anh sẽ không bao giờ mua khăn giấy màu xanh lơ và giấy vệ sinh in hoa nữa. Anh hứa. Ngày mai anh sẽ mang mấy thứ đó lại siêu thị để đổi thứ khác. Nếu họ không cho đổi, anh sẽ đốt chúng ngoài sân. Anh sẽ mang tro đổ ra biển. Và chẳng bao giờ làm món thịt bò với ớt xanh nữa. Chẳng bao giờ. Mùi này sẽ bay mất ngay ấy mà, mình chẳng bao giờ phải nghĩ gì về nó nữa. OK?”

Nhưng nàng vẫn không nói một lời. Tôi muốn đi bộ ra ngoài đâu đó một lát, và khi về thì thấy nàng vui trở lại, nhưng tôi biết rằng điều đó không xảy ra. Chính tôi phải giải quyết chuyện này.

“Kìa, em mệt lắm rồi,” Tôi nói. “Nằm nghỉ một lát rồi mình sẽ đi ăn pizza. Lần sau cùng mình ăn pizza là lúc nào nhỉ? Có cá cơm và hành tây. Mình sẽ gọi một cái. Thỉnh thoảng đi ăn tiệm cũng chẳng đến nổi cháy túi đâu.”

Chiêu này cũng chẳng hiệu nghiệm. Nàng vẫn chống tay lên cằm.

Tôi chẳng biết phải nói gì nữa. Tôi ngồi xuống và ngó nàng đăm đăm từ đầu bên này bàn. Một vành tai của nàng lộ ra dưới mái tóc đen ngắn. Trên vành tai có mang một chiếc bông tai trước đây tôi chưa hề thấy, chiếc bông tai bằng vàng bé tí có hình thể một con cá. Nàng mua món này ở đâu vậy? Tôi muốn hút thuốc. Tôi tưởng tượng mình lấy thuốc lá và bật lửa ra khỏi túi, đặt điếu thuốc lên môi rồi đốt. Tôi hít vào một hơi đầy phổi. Mùi thịt bò và rau cải xào làm bụng tôi sôi lên. Tôi đói lắm rồi.

Ánh mắt tôi chạm tấm lịch treo trên tường. Tấm lịch chỉ rõ các tuần trăng. Trăng sắp rằm rồi. Dĩ nhiên đó cũng là lúc Kumiko sắp có kinh.

Chỉ sau khi lập gia đình tôi mới nhận ra rằng mình là một cư dân của trái đất này, hành tinh thứ ba của thái dương hệ. Tôi sống trên trái đất, trái đất xoay quanh mặt trời, và mặt trăng xoay quanh trái đất. Thế nào đi nữa, điều này sẽ tiếp tục vĩnh viễn (hay cái được xem là vĩnh viễn nếu so với tuổi thọ của tôi). Cái mà đã khiến tôi nhìn sự vật theo cách này, chính là tính chính xác tuyệt đối của chu kỳ kinh nguyệt hai-mươi-chín-ngày của vợ tôi. Nó hoàn toàn tương ứng với việc đầy hay khuyết của con trăng. Vào -các kỳ kinh nguyệt của nàng luôn luôn khó khăn. Nàng sẽ trở nên bất thường, có khi bị trầm cảm, nhiều ngày trước lúc bắt đầu. Thế nên chu kỳ của nàng trở thành chu kỳ của tôi. Tôi phải thận trọng để không gây ra bất cứ rắc rối không cần thiết nào vào lúc nàng đang cắm cờ đỏ trong tháng. Trước khi lấy nhau, tôi đã không quan tâm gì đến tuần trăng. Có thể tôi bắt gặp vầng trăng trên bầu trời, nhưng hình thể của nó trong bất cứ thời điểm nào cũng không quan hệ gì đến tôi. Giờ đây hình thể của con trăng là một điều tôi luôn mang theo trong đầu.

Tôi từng bồ bịch với nhiều phụ nữ trước Kumiko, và dĩ nhiên mỗi người đều có chu kỳ kinh nguyệt riêng. Có người khó khăn, có người dễ dàng, có người hết sạch trong vòng ba ngày, có người kéo dài cả tuần, có người đều đặn, có người có khi trễ cả mười ngày làm tôi lo sợ tê tái; có người bị tâm trạng bực dọc, có người không bị tác động gì. Tuy nhiên cho tới khi cưới Kumiko, tôi chưa bao giờ chung sống với người phụ nữ nào. Trước lúc đó, các chu kỳ của thiên nhiên mang ý nghĩa của sự thay đổi của các mùa. Vào mùa đông thì tôi soạn áo khoác ra, còn mùa hè là thời của các đôi săng-đan. Với hôn nhân, tôi không chỉ nhận lấy vai trò đồng cư, mà còn nhận lấy cả một khái niệm mới về tính chu kỳ nữa: đó là tuần trăng. Duy nhất một lần nàng mất chu kỳ kinh nguyệt trong vài tháng là thời gian nàng có thai.

“Em xin lỗi,” Nàng ngẩng mặt lên. “Em không có ý trút bực dọc lên anh. Em mệt quá, em cảm thấy bức bối quá.”

Tôi nói, “Ổn rồi mà, đừng quá áy náy. Em nên xả xú-bắp với ai đó khi mệt mỏi bực dọc. Nó làm em thấy dễ chịu hơn.”

Kumiko hít vào một hơi dài, thật chậm, giữ hơi lại một lúc, rồi thở ra.

Nàng hỏi, “Còn anh thì sao?”

“Anh thì sao hả?”

“Anh không trút cơn giận lên ai khi anh bị mệt. Em thì em trút láng. Tại sao vậy nhỉ?”

Tôi lắc đầu. “Anh không để ý. Buồn cười thật.”

“Có lẽ anh có một cái giếng thiệt sâu trong lòng, rồi anh hét to vào giếng. “Ông vua tai lừa! Ông vua tai lừa!” Hét xong thì thấy khỏe re.”

Tôi ngẫm nghĩ thoáng chốc rồi nói, “Có lẽ vậy.”

Kumiko lại nhìn chai bia rỗng. Nàng quan sát cái nhãn, rồi miệng chai, rồi xoay xoay cổ chai giữa các ngón tay.

“Em sắp bị.” Nàng nói. “Em nghĩ là vì thế nên em cảm thấy bực dọc.”

“Anh biết. Đừng quá để ý tới chuyện đó. Em không phải là người duy nhất bị vậy. Hàng đống ngựa cũng chết khi trăng tròn.”

Nàng bỏ cái chai xuống, miệng há hốc ngạc nhiên nhìn tôi.

“Nè, anh lấy chuyện đó ở đâu ra mà bất ngờ vậy?”

“Hôm nọ anh đọc trên báo. Anh có ý kể cho em nghe, nhưng rồi không dưng quên bẵng đi. Nó trong cuộc phỏng vấn một cha nội bác sĩ thú y. Hình như loài ngựa bị tuần trăng tác động dữ lắm, cả hai mặt sinh lý lẫn tâm lý. Bộ não của chúng bị kích động khi trăng sắp tròn, và chúng bắt đầu có đủ thứ trục trặc về mặt sinh lý. Rồi thì khi đến ngay trong đêm rằm, nhiều con trở bệnh mà chết. Chẳng ai thật sự biết rõ nguyên nhân do đâu, nhưng người ta làm thống kê thì thấy y chang như vậy. Mấy cha bác sỹ thú y chăm sóc ngựa chẳng bao giờ được ngủ ngáy đàng hoàng trong những đêm trăng tròn, mấy chả bận quá mà.”

“Ngộ thiệt.” Kumiko nói.

“Tuy vậy, nhật thực còn ác liệt hơn nhiều. Đúng là bi kịch cho loài ngựa. Em không thể tưởng tượng nổi có bao nhiêu con ngựa tiêu tùng trong ngày nhật thực toàn phần đâu. Dù sao anh chỉ muốn nói một điều là ngay giây phút này loài ngựa đang ngủm củ tỏi khắp nơi trên thế giới. Em thấy không, việc em trút cơn bực dọc lên người khác chỉ là chuyện nhỏ nếu so với bi kịch của loài ngựa. Vì vậy, quên nó đi. Hãy nghĩ về loài ngựa đang ngủm kìa. Thử tưởng tượng là chúng đang nằm trên rơm rạ trong mấy cái chuồng dưới ánh trăng tròn, miệng sùi bọt, thở hắt ra đau đớn, ý dà dà…”

Dường như nàng đang nghĩ về mấy con ngựa đang hấp hối trong chuồng theo lời tôi.

“Thiệt tình, em phải công nhận là anh lẹ miệng thiệt, nói gì ai nghe cũng thấy xuôi tai.”

“Êm rồi hén, thay đồ rồi mình đi ăn pizza nha.”

***

Đêm đó, trong bóng tối của phòng ngủ, tôi nằm kề Kumiko, ngó lên trần nhà rồi tự hỏi mình đã hiểu chút gì về người đàn bà này. Đồng hồ chỉ 2 giờ sáng. Nàng đang ngủ say. Trong bóng tối, tôi nghĩ về khăn giấy màu xanh lơ và giấy vệ sinh in hoa và thịt bò và ớt xanh. Tôi sống với nàng suốt mấy năm trời mà không ý thức rằng nàng ghét cay ghét đắng mấy thứ đó. Thiệt tình thì mấy thứ đó chỉ là chuyện vặt. Chuyện ngu xuẩn nữa kìa. Thứ chuyện để cười cho vui, chẳng đáng gì để làm ầm ĩ. Chúng tôi có chút xích mích với nhau, và lẽ ra trong một vài ngày thì sẽ quên phắt ngay thôi.

Nhưng chuyện này thì khác. Nó làm tôi bận tâm một cách lạ lùng, nó làm tôi khó chịu như bị hóc xương cá trong họng. Có lẽ, có lẽ nó nghiêm trọng hơn là như tôi tưởng. Có lẽ nó là một đòn hiểm chí mạng. Hoặc có lẽ nó chỉ là sự khởi đầu của một cái gì đó sẽ là một cú định mệnh chí tử. Có thể tôi đang đứng ở ngưỡng cửa của một điều gì to lớn, bên trong chứa một thế giới chỉ riêng thuộc về Kumiko, một thế giới bát ngát mênh mông mà tôi chưa hề biết đến. Tôi đã thấy nó như một căn phòng rộng và tối. Tôi đang đứng đó, tay cầm cái bật lửa, ánh lửa yếu ớt lóe lên chỉ đủ cho tôi thấy phần nhỏ nhất của căn phòng.

Có bao giờ tôi sẽ thấy phần còn lại không? Hay tôi sẽ già đi rồi xuống lỗ mà chẳng bao giờ thật sự hiểu nàng? Nếu điều đó là tất cả để dành cho riêng tôi, thì ý nghĩa của cuộc hôn nhân mà tôi đang sống là cái gì đây? Điều gì là ý nghĩa của cuộc đời này khi tôi chia chăn sẻ gối với một người đồng sàng mà dị mộng?

Đây là điều mà tôi đã suy gẫm trong đêm đó, và điều mà tôi tiếp tục thỉnh thoảng băn khoăn mãi lâu về sau. Mãi lâu về sau tôi mới ngộ được hướng đi đến cốt lõi của vấn đề.

*************

Bản dịch Việt ngữ của Thận Nhiên, từ bản dịch Anh ngữ “Full Moon and Eclipse of the Sun On Horses Dying in the Stables” của Jay Rubin.

*************

Jay Rubin là giáo sư văn chương Nhật ngữ của đại học Harvard. Ông là tác giả cuốn Haruki Murakami and the Music of Words, và ông cũng đã dịch các tác phẩm Norwegian Wood và After the quake ra Anh ngữ.

*************

Tete là blốc ờ đua đòi đọc văn chương. Ông là gã đã copy bản này từ website damau.org và gã có đóng góp bằng chữ “Truyện”, ảnh cho entry cũng như dòng “lạc khoản” ni, hì.

9.11.08

November 09, 2008: dau long qua!

Hôm nay, đag ngồi uống cafe, ông cậu gọi vào báo tin con chó "Gấu" mình cho cậu đem ra Lào Cai, đến Hà Nội thì nó buồn bã, bỏ ăn và đi tiêu ra máu. Tàu thì ko cho đem theo nó lên LC, ông bán nó với giá 100k. Thế là thôi... với mình thì coi như nó đã chết rồi. Nghe tin về nó xog, thật là buồn đứt ruột, mình thương và nể cậu, nghĩ cậu sẽ lo cho nó được tốt hơn mình, ko cần gì nhiều chỉ cần cho nó ăn và vui chơi mặc sức với tuổi mới lớn của nó thôi. Ko ngờ ông cậu lại để nó ưu sầu đến chết. Tất cả là lỗi của mình, nó chết vì mình đã quyết định sai lầm. Tao thương và nhớ mày quá Gấu con ơi, bố nó còn vui chơi, tí tửng ở nhà mà nó thì đã chết khi còn trẻ con quá. Nuôi chó rất vui, nhưng khi chó chết không bình thường thì dù người chủ dù vô tâm đến mấy cũng ko thể ko đau lòng được. Tao sẽ nhớ mày mãi Gấu ạ. Thật là nuối tiếc, ân hận quá. Biết trước thế thì 2 hôm trước tao đã khôg cho mày lên tàu. Biết thế tao sẽ bảo cậu gửi trả mày cho tao, tao sẽ cứu chữa cho mày Gấu ạ!!




Tấm hình cuối cùng của Gấu khi đang đứng nhìn ra đường.

1.11.08

November 01, 2008: [tRả] và [vAy]

[tRả] và [vAy] magnify
Cho anh vay một..........[nỤ] [cƯờI]


Mai anh xin trả em mười..........[nỤ] [hÔn]

Cho anh vay một..........[nỤ] [hÔn]

Mai anh xin trả em còn gấp trăm

Nếu vay được một đêm nằm
Anh xin gán nợ trăng rằm trả em.

____ Hưng, Đặng Vương____