Mùa đông 1966. Trời giá lạnh, gió mùa đông bắc hun hút thổi về. Con đường dọc bờ sông hôm nay hiu quạnh, cây bàng trơ những cành khẳng khiu vươn lên nền trời đầy mây xám. Một chiếc lá lặng lẽ rời khỏi cành chao đảo rơi xuống mặt nước xanh ngắt lạnh lẽo của dòng sông. Tôi thong thả bước chân trên con đường dọc bờ sông ra phía Cầu Diêm, một cây cầu lẻ loi bằng gỗ sơn hắc-ín đen sì. Cây cầu này hầu như chỉ dùng cho những đứa trẻ chăn trâu sang bên kia sông cho trâu gặm những mớ cỏ ngon lành mà mùa đông không hề bị héo úa và luôn luôn mọc tràn lan trên khắp bãi sông rộng lớn.
Một bóng người từ xa đi ngược chiều tới, tôi nhận ra đó là Sâm. Một cảm giác lâng lâng nhè nhẹ dâng trong tôi, hai má tôi tự nhiên nóng lên mặc cái gió mùa đông bắc thổi đến. Tôi yêu Sâm, một tình yêu đơn phương và tội nghiệp. Năm nay tôi tròn 16 tuổi, một cái tuổi mà thằng con trai nào nếu mạnh bạo thì dám tự cho mình cái quyền được yêu. Yêu là một cảm giác lạ lùng trong tình cảm, nó bồi hồi một cách bâng quơ, khó ở như giận dỗi ai, như thiếu thốn một cái gì...
Có lẽ chả phải tôi mà hầu hết những bọn con trai trong làng đều chú ý tới Sâm. Vì Sâm đẹp nhất xã! Ðó là lời nói đầu miệng của bọn trẻ con trong làng. Mà xã tôi to lắm chứ đâu là nhỏ! Nó gồm ba làng: làng Hành Ðông, Diêm Ðiền và Ðông Bình nằm dọc theo bờ con sông Diêm rộng lớn. Sâm là như vậy đó, ngay cả bọn trẻ con chúng nó còn phải tôn thờ huống hồ là lũ thanh niên choai choai chúng tôi có một chút văn hóa, hơn hẳn thế hệ trước về cái khoản đã biết chữ! Bởi vì cứ nhìn trong túi áo chúng tôi lúc nào cũng kè kè chiếc bút máy Trường Sơn hoặc Ba Vì là biết ngay!
Ngày đó tôi si tình lắm. Có một lần Sâm đi trước còn tôi đi sau, bàn chân nhỏ bé của Sâm in trên mặt đất đầy bùn trông thật là đẹp (ấy là dưới con mắt tôi nhìn lúc đó). Tôi lặng lẽ âm thầm dẫm lên dấu bàn chân ấy từng bước, từng bước một. Ðừng cười, thời ấy chúng tôi toàn đi chân đất thôi. Với lại cái mảnh đất chúng tôi sinh sống là loại đất phù sa của sông Hồng lúc nào cũng dẻo quánh, mùa mưa đến không thể nào đi dép được, khi đi các ngón chân phải bấm chặt xuống đất không có thì bị trượt ngã ngay!
Tôi yêu Sâm một cách khủng khiếp và có lúc mang màu sắc lố bịch. Xin tiền mẹ ra phố cắt tóc, ông thợ cắt tóc thẳng tay cạo trắng hếu hết tất cả tóc gáy tóc mai, ấy thế mà tôi cảm thấy mình đẹp trai hẳn lên. Sau đó tôi tìm mọi cách lượn qua nhà sâm để Sâm thấy tôi "thay đổi".
Sâm có giọng hát hay tuyệt vời, ít ra là trong ý nghĩ của tôi lúc đó. Mỗi lần sinh hoạt thanh niên, Sâm đứng lên hát đơn ca là tóc gáy của tôi dựng đứng cả lên, chân tay nổi da gà, tim đập loạn xạ không kìm chế được.
Tuổi mười sáu của tôi gần như bị "say cuồng" trong "mối tình" câm lặng.
Sâm đã đến trước mắt tôi với chiếc áo xanh màu nước biển quen thuộc.
To tướng một chiếc cổ áo lá sen gần như che kín cả vai. Ðấy là mốt thịnh hành của các cô gái thời đó. Sâm cất tiếng nói rất tự nhiên:
- Quang đấy à! Sâm đang định đến nhà Quang đây.
Tôi sửng sốt miệng ấp úng giương đôi mắt to thô lố nhìn chòng chọc vào Sâm.
- Ngày kia Sâm đi rồi.
Tôi vẫn chưa hiểu gì, tiếp tục nhìn Sâm ngơ ngác, Sâm cười hồn
nhiên:
- Quang làm cái gì vậy, trông Quang buồn cười quá!
Cái cười làm in rõ đôi má lúm đồng tiền.
- Này nhé! Ngày kia Sâm đi đấy, Quang đã biết chưa? Gia đình Sâm xung phong đi khai hoang miền núi đấy!
Tôi à lên một tiếng, trời ơi bây giờ tôi mới biết, Sâm đã đi thật rồi! Cánh chim của tôi đã chuẩn bị bay thật rồi. Tình yêu của tôi theo đuổi bấy lâu cũng bay mất rồi chăng?
Thằng con trai như ngậm tăm không nói được nữa lời, chân vẫn đứng như chôn xuống đất, nhưng hắn cũng biết đóng kịch, con mắt hắn xịu xuống cố tạo một vẻ buồn xa xăm...
Nhẹ nhàng lướt tới, đối diện ngay trước mặt tôi, ngón tay trỏ búp măng trắng muốt đặt ngang lên vành môi trái tim chúm chím, Sâm nói nhỏ nhưng rất rõ ràng:
- Lên đó chắc Sâm nhớ Quang lắm đấy... Chẳng biết người ta có nhớ mình không?...
Tôi giật mình, Sâm đã dùng hai từ "mình và người ta"! Uả, sao nhanh quá vậy!
Sâm nói tiếp, mắt cố tránh tôi và nhìn theo dọc triền sông xa tít:
- Sâm có món quà nhỏ tặng Quang đây. Về nhà mới được mở ra xem nhé!
Sau khi đưa gói quà cho tôi bỗng nhiên mặt Sâm bừng đỏ, Sâm cúi mặt xuống xòe bàn tay nhỏ bé che trán quay ngoắt người lại chạy vào một ngõ hẻm mà tôi biết chắc rằng ngõ đó không thể nào về nhà Sâm được! Tôi vẫn đứng ngây ra chẳng nói được lời nào, tôi cũng chẳng hiểu Sâm chạy vào ngõ đó để làm gì? Trong tay tôi đây, cái vật vuông vuông nhỏ bé gói bằng một tờ giấy trắng còn nóng hơi ấm từ trong túi áo và từ bàn tay Sâm.
Và như chợt tỉnh, tôi cũng như Sâm vội vã chạy về nhà như bị ma đuổi. Ôi! Tình yêu đến rồi, sao mà nó đến "tốc độ" vậy, nó đến bất ngờ ở một thời điểm mà ta không lường trước được trong cái cuộc đời vô định này!
Tình yêu là của thế giới tinh thần nhưng nó được cụ thể hoá bằng vật chất, với tôi nó là chiếc khăn trắng muốt có thêu đôi chim bay trên hai chữ "kỷ niệm" và một bức hình đen trắng tô màu một cách vụng về của anh thợ ảnh ở thị trấn nghèo miền biển quê tôi.
Chính đôi bàn tay nhỏ nhắn của Sâm đã thêu đấy, nhưng ôi sao mà thô thiển vậy, bởi vì Sâm đâu có biết thêu! Chiếc khăn đó còn in lại chút mực học trò mà chắc Sâm đã GIẶT RỒI BẰNG XÀ BÔNG NHƯNG CHƯA TẨY ĐI HẾT.
ảnh Sâm với nét mặt buồn nhìn xuống và giận thay, cái anh thợ ảnh đã phá sắc đẹp của nàng bằng những nét tô màu quá sẫm.
Vội quá, hạnh phúc đến một cách bất ngờ nên tôi chẳng kịp nghĩ ra phải "hồi âm", vì vậy tôi chẳng tặng lại Sâm một cái gì cả. Ðó là sự cướp không trắng trợn, nhưng trong tình yêu phải chăng có những cái ta cướp không mà có thể tha thứ được!
Rồi sau đó những kỷ niệm chập chờn trong ký ức tôi. Một đoàn người lộn xộn, ồn ào, tiếng trống ếch đinh tai, tiếng loa phát thanh e é... Ðó là cuộc tiễn đưa những gia đình đi kinh tế mới của xã... Bàn tay của Sâm vẫn vẫy tôi... chiếc xe ô tô cũ kỹ méo mó chở họ đi... Khi chạy, bùn dưới bánh xe văng tung tóe làm bọn trẻ con kêu ré lên chạy toán loạn.
Trong hai ngày tôi đâu có đến nhà Sâm. Có nhiều lý do, một trong những lý do đó là sợ ông bố của Sâm. Do Sâm đẹp nên bọn con trai hay chọc ghẹo vì vậy ông bố Sâm, một người có cái mặt sần sùi méo mó ấy rất nghiêm khắc với họ. Ðối với ông nếu ai đi với Sâm thì ông đều cho là một mối nguy hiểm. Riêng về phần tôi có đỡ hơn vì tôi và Sâm ở trong ban chỉ huy phân đoàn. Nhưng thú thực tôi vẫn sợ ông như thiên lôi vậy. Con người đó là một âm bản trái ngược với vẻ đẹp thánh thiện của Sâm, nhưng tôi biết trong ông vẫn có một cái gì nhẹ nhàng thơ mộng. Cuộc đời này lạ như vậy đó! Tôi đã từng nghe ông hát chèo với một giọng êm ái quyến rũ như Trương Chi ngày ấy.
Chả vậy mà trước khi ra đi ông đã đứng lên ngẫu hứng là một câu thơ rất tuyệt diệu:
"ăn cơm một bữa ba gà
Không bằng nước uống Sa Pa một ngày!"
Nhưng mà... Chỉ vài tháng sau ông và gia đình trở về đói rách tả tơi... (chuyện này mãi sau tôi mới biết). Có anh chàng tinh nghịch nào sửa thơ của ông:
"ăn cơm với củ khoai hà (khoai sùng)
Không bằng chết đói Sa Pa bò về"
Ôi, chuyện đời thật trớ trêu!
Cũng vào năm ấy, khi gia đình Sâm đi được hai tháng, chưa bước sang tuổi mười bảy tôi đã đi bộ đội. Ngày ấy cứ thiếu quân mà anh nào có thân hình có thể đeo được súng là xã gọi nhập ngũ ngay. Tôi đã được chấm vì ở dạng đó. Thời chiến mà lại!
Những ngày trong quân ngũ trên ngực áo tôi luôn luôn có chiếc mùi-xoa của Sâm, nó được gấp lại làm tư và bỏ trong một bao ny-lông. Tôi không bao giờ sử dụng tới, chỉ thỉnh thoảng mang ra ngửi mùi thơm tinh khiết của mảnh vải mới ấy và đắm mình trong những kỷ niệm đối với Sâm của tôi.
Bạn bè biết được có đứa cười nhưng cũng có đứa ủng hộ. Thằng Ngôn có đôi má bầu bầu như con gái nhìn tôi nghiêm nghị nói:
- Cậu làm thế là đúng!
ấy thế mà chính trị viên có lần gọi tên lên để "sạc" vì anh ta cho là yếu đuối, tiểu tư sản. Tôi nghĩ thầm, tiểu tư sản gì cái thằng tôi, bốn tuổi đã phải bám đuôi trâu trèo lên lưng trâu để đưa trâu đi gặm cỏ.
Chín tuổi đã phải cầm cái cày dài ngoẵng bằng cả thân mình để tập cày, ông ở thành phố thì ông mới là tiểu tư sản chứ.
Ðơn vị tôi là đơn vị đặc biệt, nên chúng tôi không được phép viết thư về nhà. Thế là Sâm và tôi bặt tin nhau.
Mùa hạ năm 1970, sau những trận chiến đấu vô cùng ác liệt trên suốt dải đường 9 từ Ðông Hà, Quảng Trị xuyên sang tận Nam Lào, đơn vị tôi được lệnh rút quân ra Bắc để củng cố. Thực sự nó không thể nào còn chiến đấu tốt được nữa. Ðại đội tôi chỉ còn 12 tay súng nhưng hầu hết lại bị sốt rét rừng đốn ngã từng ngày, từng ngày một. Những người bạn thân thiết của tôi đã vĩnh viễn NẰM LẠI TRÊN NHỮNG MẢNH ĐẤT XA LẠ PHÍA TÂY TRƯỜNG SƠN. Ở NƠI ĐÓ, mùa mưa thì mưa trắng núi trắng rừng, mùa khô thì gió cuộn bụi đỏ mù trời mù đất.
Trên dọc đường hành quân rút ra Bắc, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên và tự hào. Bộ đội kéo vào trùng trùng điệp điệp, anh nào anh nấy ba lô nặng chịch, súng ống lỉnh khỉnh, nào mũ sắt, nào giày, nào bao gạo...lại có cả mặt nạ chống hơi độc nữa. Những khuôn mặt đỏ bừng bừng khi leo lên dốc. Họ trắng trẻo khỏe mạnh, đẹp như những thiên thần với quần áo Tô Châu Trung Quốc mới tinh... Họ giơ tay vẫy chúng tôi rối rít. Chúng tôi nhìn lại bộ quần áo mình mà gớm ghiếc, nó rách như tổ đỉa, dép thì bằng vỏ ô tô chiến lợi phẩm cắt xén vụng về. Tôi cố ý tìm người quen để hỏi chuyện nhà, nhất là chuyện Sâm, nhưng vô hiệu. Anh bạn Ngôn của tôi nổi hứng đứng trên một tảng đá gào to:
- "Các ông ơi cứ vào đánh nhau đi rồi sẽ biết mặt!"
Tôi vội kéo tay hắn xuống và nghiêm mặt nói:
- Ðiên à! Cậu nói bậy quá!
Ngôn cười hì hì đấu DỊU: "Ừ XIN LỖI NHÉ !". TÔI LÀ NGƯỜI CHỈ HUY NHƯNG CŨNG NGƯỜI BẠN nối khố của Ngôn khi mới vào quân ngũ nên chúng tôi coi nhau như ruột thịt.
Ðồng chí Nghinh, chính trị viên, người Hà Nội có khuôn mặt khắc khổ ấy, người từng "sạc" tôi là tiểu tư sản, đã hy sinh! Anh hy sinh bởi một loạt rốc két từ trực thăng bắn xuống, tôi đỡ anh lên thì mồm anh chỉ còn ngáp ngáp như một con cá. Thực sự tôi đã khóc, bởi vì tôi thấy nước mắt tôi chảy ra ướt cả khuôn mặt trẻ trung của người chính trị viên ấy!
Còn có một nỗi buồn khác là bức ảnh của Sâm không còn nữa. Trong một lần bị pháo kích chiếc ba lô của tôi đã trúng đạn tan ra và văng hết xuống vực. Tôi may mắn thoát chết mặc dù nằm cách đó khoảng 10m.
Hành quân đến Quảng Liêm (Quảng Bình), vào một buổi tối, chúng tôi mệt nhoài. Miệng nhai vội mấy nắm gạo rang trộn đường, chúng tôi lên giường lăn ra ngủ. Riêng tôi không ngủ được, ở đây sao rệp nhiều quá! Nhà đồng bào ở đây tuy nghèo nhưng rất sạch sẽ. Vì bộ đội qua lại hàng ngày nên rận, rệp sinh ra nhiều vô kể. Mở chiếc khăn mùi-xoa phủ lên mặt tôi nghĩ về quê hương. Trái tim tôi đập rạo rực lên khi nghĩ mình sẽ được về nhà sau bao năm tháng chiến đấu ác liệt tưởng chừng như không có ngày về. Sâm ơi, anh sẽ về gặp em! Nhưng gặp sao được! Sâm mãi trên Nghĩa Lộ cơ mà, ý nghĩ đó làm tôi buồn. Ðời bộ đội chỉ có vài ngày phép ngắn ngũi làm sao mà đi tìm gặp được em! Nhưng chắc chắn một điều là tôi biết được tin tức về em trong những ngày tháng này mà tôi chờ đợi từng giờ, từng phút. Sâm người con gái lạ lùng đã chủ động tỏ tình trước tôi. Nàng quá xa vời đối với những người tôn thờ nàng, còn đối với tôi (thật may mắn) tôi gần gũi nàng biết bao. Nàng là phân đoàn phó thanh niên dưới quyền tôi. Tôi đã ngấm ngầm yêu nàng nhưng chưa hề được chạm vào một sợi tóc nào của nàng. Chỉ có chiếc khăn tay này là bằng chứng vật chất của tình yêu giữa nàng và tôi... Tôi thiếp đi nặng nề trong sự mệt nhọc của những ngày hành quân căng thẳng...
Bỗng! Nghe văng vẳng từ xa những tiếng còi thổi lên rất gấp. Báo động! Báo động! Tôi choàng tỉnh giấc. Ðồng chí liên lạc tiểu đoàn xuất hiện với bộ mặt méo xẹo và bơ phờ.
- Báo cáo đồng chí đại đội trưởng ngay bây giờ lệnh của tiểu đoàn là chúng ta phải hành quân.
Tôi chẳng kịp hỏi han gì thêm, liền ra lệnh cho đại đội tôi lên đường để bám theo đội hình tiểu đoàn. Con đường hành quân ấy thật là vất vả.
Dốc cao dựng đứng, trời tối đen không hề có trăng sao, mây đen ùn ùn kéo tới. Chúng tôi phải bám vào ba lô của nhau để khỏi lạc.
- Mẹ nó chứ! Lúc đánh nhau thì không báo động, về hậu phương yên tĩnh mong được nghỉ ngơi thì lại báo động, đúng là rửng mỡ!
Tôi lại nghe cái giọng lẻo mép của Ngôn nói bậy bạ, nhưng mệt quá tôi cũng chẳng thèm nói lại. Một ý nghĩ ngồ ngộ trong đầu tôi: "Thực tình xưa nay Ngôn đều nói có ý đúng đấy chứ".
Vào khoảng hai giờ sáng trời đổ mưa, một cơn mưa phũ phàng như thù ghét đối với chúng tôi. Gió lớn thổi mạnh làm cho áo mưa chúng tôi bị bay thốc lên đến tận nách, thế là chúng tôi bị ướt sạch. Mệt quá tôi tự động cho đơn vị giải lao. Tôi biết chắc sẽ bị phê bình đấy, nhưng lính của tôi quả thật đã kiệt sức quá rồi.
Nhìn anh em ngồi chồm hổm gục đầu vào ba lô ngủ dưới mưa mà tôi thương xót. Họ là những người trai rất trẻ đáng nhẽ được bố mẹ cưng chiều trong những mái nhà yên ấm, ấy thế mà bây giờ dưới trời mưa như thế cái mệt nhọc đã làm cho họ ngủ được thì thật là quá sức tưởng tượng.
... Những ánh chớp liên tiếp xé rách bầu trời, tôi ngước nhìn theo ánh sáng đó thấy ở phía xa, hình như trên đồi có một nghĩa trang liệt sĩ.
Ðúng rồi một nghĩa trang thực! Một nghĩa trang không hề xây hàng rào xung quanh, những chiếc bia chập chờn hiện lên trong cơn mưa xối xả. Một ý nghĩ lạ lùng đến với tôi, thúc giục tôi trèo lên sườn dốc để tới cái nghĩa trang cô quạnh này.
Một đài tưởng niệm không cao lắm, xám ngắt hiện lên trên đỉnh đồi.
Dưới chân đài là hàng hàng lớp lớp các ngôi mộ đất bị nước mưa làm cho lở lói không còn ra hình thù gì nữa, riêng hàng bia thì mới được quét vôi lại nên trắng xóa. Tôi rút đèn pin ra soi vào chiếc bia đầu tiên: một con cóc to tướng ngồi chồm chỗm dưới bia, nó giương mắt nhìn và vẫn ngồi ì ra đó. Hàng chữ khắc sâu vào bia nên nhờ đó tôi đọc được:
Nguyễn Thị Hải Hà, sinh ngày 21/12/1950. Tại Hành Thiện - Xuân Hồng -Xuân Thủy tỉnh Nam Hà (nay là Hà Nam Ninh). Hy sinh ngày... tháng 10 năm 1967.
Tôi xem tiếp bia sau, cũng là cô gái đồng hương của tỉnh Nam Ðịnh với tôi và cũng trạc tuổi ấy. Còn những bia sau nữa, cũng hệt như vậy. Họ chỉ khác tên khác tuổi nhưng cùng ngày chết. Tôi đau xót sững sờ: bao nhiêu người con gái ở tuổi 17, 18 thậm chí 16 đã chết ở đây! Cùng một ngày! Họ là ai? Ðúng rồi họ là những người thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu.
Những đơn vị thanh niên xung phong không như đơn vị bộ đội, họ thường là những người cùng quê cùng tỉnh, nên khi họ chết tức nhiên các bia sẽ ghi cùng tỉnh... Tôi nhẩm trong miệng những tên mà tôi đã xem qua, không có người nào cùng xã với tôi... Phía xa một tấm bia đổ nghiêng, chẳng hiểu vì sao nó lại bị nghiêng? Tôi soi đèn pin vào và chợt tái người, không thể nào tin vào mắt mình được! Hàng chữ khắc rõ ràng: "Trần Thị Minh Sâm"... Làng Hành Ðông, xã Giao Bình, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Hà.
Trời! Sâm của tôi đây rồi! Cả làng Hành Ðông của tôi chỉ có mình em tên Sâm mà thôi, rồi cả họ, cả ngày tháng năm sinh nữa, nhầm làm sao được!
Thế là anh đã gặp em tại đây, một nắm đất lặng lẽ im lìm giữa rừng thưa hoang vắng này, giữa đêm mưa gió tầm tã này! Tôi quỳ xuống hai tay ôm chầm lấy ngôi mộ của Sâm. Hai mắt tôi nóng rực lên, khô hoảnh không hề có một giọt nước mắt nào lăn xuống. Sâm ở đây ư? Một người con gái yếu đuối, mảnh mai, đẹp và dịu hiền như thế ở đây ư! Tôi muốn gào lên, nhưng gió mưa có lẽ đã gào to hơn. Tôi như mê đi, một cảm giác mà từ trước đến nay ở tôi chưa hề có. Giá lạnh của nền đất ngôi mộ đã chạm vào má tôi làm tôi tỉnh đôi chút... Những tia chớp xanh lóe lên liên tiếp, không gian vang ầm tiếng sét.
Tôi nhìn xuống dưới chân đồi, đồng đội của tôi từng đống, từng đống đen đen đang ngủ gục dưới mưa lạnh giá... Lại một tia chớp sáng lòa, nghĩa trang rực sang rồi lại chìm vào đêm đen vô tận... Theo thói quen, tôi soi đèn xem đồng hồ, lúc đó đúng 4 giờ sáng ngày 21/6/1970.
Ðợt ấy chúng tôi ra đóng quân ở Hà Tỉnh, và cũng như trước đây, chúng tôi không được viết thư về nhà. Hy vọng về phép của chúng tôi hoàn toàn không có. Tháng 2 năm 1971, kẻ thù liều lĩnh đỗ quân ra đường mòn Hồ Chí Minh. Chúng tôi gấp rút hành quân bằng cơ giới vào và đã làm nên chiến thắng Nam Lào lịch sử. Trong trận chiến đấu đó, Ngôn người bạn thân thiết của tôi đã ngã xuống.
Năm 1973 ký kết Hiệp định Paris, gặp người em họ của Sâm là lính mới bổ sung, mới biết chuyện của Sâm. Năm tháng sau khi tôi đi bộ đội thì gia đình của Sâm bỏ kinh tế mới trở về. Lúc đó, cuộc chiến đấu càng ngày càng ác liệt, Sâm đã tình nguyện gia nhập thanh niên xung phong của tỉnh. Ðơn vị họ được điều vào miền Tây Quảng Bình làm đường. Ðây là đoạn đầu của con đường chiến lược Trường Sơn nên kẻ thù ngày đêm điên cuồng bắn phá. Vào một buổi trưa mọi người đang ngồi ăn cơm thì "pháo đài B.52" đã rải thảm bằng bom bi vào đúng chỗ họ. Hầu hết họ đã hy sinh, Sâm của tôi cũng trong số đó!./.
No comments:
Post a Comment