Pages

29.5.08

May 29, 2008: Em sẽ gây tai nạn

Bàn tay ấm kéo tôi khỏi giấc ngủ vùi, ánh mắt trìu mến của anh làm tôi bừng tỉnh. Tôi bật dậy, nhói đau, xây xẩm. Anh đỡ tôi nằm xuống, khuôn mặt anh thân thiết... Sau này tôi hiểu đó là nét thánh thiện, như nét mặt mẹ nhìn tôi.

Tôi tỉnh hẳn, chị Hai, bệnh nhân cùng phòng, kể lúc tôi từ phòng mổ ra, ảnh phải nhờ chị mặc... quần cho tôi. Trời đất! Tuy đã cứng tuổi nhưng tôi chưa một lần yêu, nói chi...

Anh để tay lên trán tôi. Tôi muốn hỏi, đau không nói nên lời. Anh cầm tay tôi:

- Em đừng cử động nhiều.

Đỡ tôi ngồi dậy, anh lấy muỗng bón cho tôi thìa cháo bột đầu tiên. Đau dữ dội, anh dỗ: “Em gắng ăn hết chín thìa”. Anh kiên nhẫn múc từng thìa bột và đếm: “Một... hai... ba... hai... hai... bốn...”. Tôi mếu máo như đứa trẻ bị mẹ bắt ăn. Chị Hai tủm tỉm, mắt rạng ngời nhìn tôi ăn.

Buổi trưa, buổi chiều anh đến cho tôi ăn, uống, xoa thuốc giảm đau quanh vết thương, động viên, an ủi tôi. Anh khéo chiều, khéo ép tôi từ ly sữa đến thìa cháo. Anh thường trò chuyện với chị Hai và bà Tư, má chị Hai, đủ mọi chuyện từ dặn dò đến những câu trách mắng đầy âu yếm. Hình như bà Tư và chị Hai cũng rất mong anh vào thăm tôi. Trước khi về anh đỡ tôi nằm, kéo chăn đắp cho tôi, dặn bà Tư trông giúp đừng để tôi chui ra khỏi chăn, cảm lạnh thành nhiễm trùng bội nhiễm...

Đang khuya anh đến, cầm chai sữa Milo đổi lại gói bột sữa Milo.

- Sợ kiến bu hai chị em - anh nói với chị Hai, sửa lại tấm chăn đắp cho tôi và nhẹ nhàng ra khỏi phòng.

Em trai tôi từ quê vào. Nhà có hai chị em. Ba má già, tôi lăn lộn nuôi cả nhà. Cả một buổi sáng thằng Ba chẳng lo được gì cho tôi. Gặp thằng Ba, anh khen nó hiền, nhanh nhẹn giống chị. Anh chỉ cho nó cách chăm người bệnh. Anh đưa nó ra phố ăn cơm, chỉ dẫn nó cách mua sắm, cho tiền để nó tiêu vặt, bảo nó gắng chăm sóc chị...

Chiều đó anh bắt thằng Ba phụ anh chăm tôi. Anh khen nó thông minh khéo tay. Khi về, anh nói bận nhiều việc sẽ ít đến. Cầm tay tôi anh dặn gắng ăn, luôn nghĩ chuyện vui sẽ chóng lành và không quên dặn dò cả bà Tư, chị Hai...

Khi anh về, thằng Ba đưa gói tiền, cười ti hí, bảo tôi rõ ràng anh là người gây tai nạn giao thông làm tôi vỡ xương hàm, xoang mặt, bị chấn thương ở ngực, bụng..., nói tóm lại, tôi bị đa chấn thương, hèn gì...

Bản tính con gái mách tôi anh chẳng làm điều xấu, trí khôn bảo tôi chẳng có chuyện cổ tích đời nay. Nghĩ tới gói tiền, tôi giận anh, giận cả thằng Ba.

- Chị sẵn lòng bãi nại ngay cho ảnh!

- Chị cần ảnh hơn em. Nghe nói chị ghê gớm lắm, sao giờ...!

Trời! Nó làm sao hiểu được, lòng người phụ nữ là bát nước đầy, giá lạnh thành đá, đụng vào sẽ vỡ ra, sắc như dao, nhưng gặp chút hơi ấm lại tan thành bát nước mát trong dịu ngọt. Anh ơi, khi lành em sẽ nói lời cảm ơn anh, em sẽ...

Mấy hôm không có anh, tôi nôn nao, sốt nặng. Anh đến, tôi vùng vằng gạt đổ thìa cháo đầy. Anh lau sạch cháo trên vạt áo tôi, nhìn vào mắt tôi nhỏ nhẹ, nghiêm nghị: “Em gắng ăn, giờ thuốc không còn mấy tác dụng, chỉ thức ăn mới giúp vết thương chóng lành. Hôm nay em ăn 15 thìa nhé! Em, mở miệng ra!”. Tôi ngoan ngoãn làm theo, lòng thổn thức. Tôi hờn anh. Anh ơi, cảm giác đó chết rồi, nhưng sao hôm nay nó sống lại nghẹn ngào, mãnh liệt hơn cả ngày bé em hờn với má!

Thằng Ba nói anh giỏi đóng kịch và chịu nhún để mong bãi nại. Nó khờ lắm; với phụ nữ, sự giả dối được bọc cái vỏ ngọt ngào, ân cần còn hơn ngàn lần sự thật thô thiển cục cằn. Mỗi lần anh đến, mắt tôi ngấn nước: thương, hờn, tủi, giận... Đoán được, anh nói: “Giờ em như trẻ con. Khi em bình phục em sẽ cứng rắn”. Ước gì tôi đủ can đảm trả lời anh: em làm sao cứng rắn với anh được!...

Tôi vịn giường đi được và minh mẫn dần lại. Khi anh đến, tôi gắng pha sữa, nhờ chị Hai bóc cam... để tôi chăm lại anh. Ừ thì một người như anh có hàng ngàn cô gái đẹp vây quanh, tôi chẳng là gì, có chăng vì anh đang cần tôi bãi nại. Nhưng mà điều đó chẳng có gì quan trọng, miễn anh lại đến trong căn phòng này.

Xuất viện, chị em tôi đến ngay phòng cảnh sát giao thông quận để bãi nại cho anh. Anh cảnh sát bảo vụ việc của tôi là nghiêm trọng, vì người gây tai nạn bỏ trốn.

- Anh không trốn - tôi cãi - Anh lo thăm nuôi tôi, anh ấy rất tốt!

- Nó là tên tội phạm nguy hiểm! - anh cảnh sát nghiêm giọng - Chị chờ chúng tôi dẫn nó tới đây!

- Thả anh ra ngay - tôi gay gắt - Anh vô tội. Tôi tự gây tai nạn, tôi có lỗi!

Kẻ tội phạm được dẫn lên, tôi thở phào: không phải là anh!

Tôi được phép xem biên bản hiện trường tai nạn, không có tên anh.

Tôi lần tới góc phố mình bị tai nạn. Phố đông, bà cụ bán nước bên đường móm mém bảo hôm đó người tôi đầy máu, anh băng vào xé áo rịt tạm vết thương, ôm tôi lên taxi đi cấp cứu...

Và tôi đi tìm anh. Sài Gòn hàng triệu người nhưng chẳng có anh. Tôi cứ dáo dác mỗi khi ra đường chỉ mong tìm lại tấm lưng anh, khuôn mặt anh!

Anh ơi, anh ở đâu, hãy nói cho em biết, hãy trả lại sự công bằng cho em, dù là chỉ để cho em nói một lời cảm ơn! Em không thể sống như thế này và cứ suốt đời tìm anh được. Trời ơi! Em sẽ gây tai nạn nếu em không biết anh là ai!

LÊ THANH HUỆ



1 comment:

Ms. Bamboo said...

Ket cuoc bun, uong cong doc we.