Pages

4.5.08

May 04, 2008: Đi du lịch Trung Quốc, cẩn thận với các chiêu… siêu lừa !

Đi du lịch Trung Quốc, cẩn thận với các chiêu… siêu lừa !

Quảng trường Thiên An Môn trong đêm.

Sau gần 10 ngày rong ruổi 4 thành phố lớn ở Trung Quốc: Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Quảng Châu, những người bạn cùng đi với chúng tôi công tác ở Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đã không ngần ngại nói với các hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc rằng: “Chúng tôi đã mất niềm tin rồi!” Cái sự mất niềm tin ấy hóa ra có gốc rễ từ các chiêu siêu lừa đảo diễn ra ở khắp các điểm du lịch trên đất nước đông dân nhất thế giới này.

Trai nào cũng ...là trai?

Xin được nói rõ ngay, trai ở đây là ngọc trai, chứ không phải là đàn ông. Đó là một cách chúng tôi muốn nhấn mạnh đến sự mập mờ, đánh lận con đen của một công ty kinh doanh, chế tác mỹ phẩm ngọc trai tại Thượng Hải. Đầu tiên, để gây ấn tượng, khi chúng tôi vừa bước vào, người quản lý mang ra một con trai được nuôi sống. Ông ta hỏi bằng một giọng vui mừng rằng: “Các bạn có đoán được trong con trai này có bao nhiêu viên ngọc không?”. Chúng tôi bắt đầu đoán già, đoán non. Người thì nói có một viên, người thì bảo là hai, và cũng có người tâng lên đến vài chục. Để trả lời, con trai lập tức được mổ ra. Có cả thảy 35 viên ngọc. Mọi người đang xuýt xoa ngạc nhiên thì người quản lý tiếp tục trình diễn một màn quyết định: thử các chuỗi vòng ngọc trai đang được xếp từng lớp la liệt trên bàn để bán cho các thượng đế, khẳng định đây là ngọc trai thật. Theo đó, ông ta lấy một vòng ngọc trai, nói là giả và cà vào mặt tấm kính trong. Không có một vết gì còn lại trên mặt kính. Tiếp theo, là một vòng ngọc trai thật, mà căn cứ vào lời quảng cáo là những viên ngọc được lấy từ những con trai nuôi đã 20 năm, chỉ cần miết nhẹ trên tấm kính ban nãy, một đường bột có màu nhờ nhờ xuất hiện. Các khách hàng bắt đầu nóng ruột tìm mua. Một chiếc vòng ngọc trai nuôi 20 năm, khách hàng quy đổi ra tiền Việt Nam khoảng 5 triệu đồng. Còn nếu nuôi trong 3 hoặc 5 năm, giá chỉ giảm xuống còn phân nửa. Anh Cường, thành viên trong đoàn chúng tôi hỏi giá chiếc vòng nữ có gắn nửa viên ngọc trai. Giá khởi đầu được đưa ra 180 Nhân dân tệ (1 Nhân dân tệ tương đương 1.800 đồng Việt Nam). Xin nói thêm là bảng giá cả đều được niêm yết rất chuyên nghiệp. Tuy nhiên, sau khi có một vài khách hàng khác cùng hỏi mua với anh Cường, cô bán hàng tươi như hoa đã nói với người thông dịch rằng có thể với 180 Nhân dân tệ đó, nhưng qúy khách sẽ được tặng thêm 3 chiếc vòng khác nữa cùng chủng loại. Như vậy, chỉ với 60 Nhân dân tệ, bạn đã có thể sở hữu một chiếc vòng được đính nửa viên ngọc trai! Mọi người xúm lại mua vòng về tặng bạn gái đắt như tôm tươi. Đến tối, chúng tôi đi dạo ở phố Nam Kinh, con đường mua sắm tấp nập nhất của Thượng Hải. Các cửa hàng giăng đèn kết hoa rực rỡ rất tráng lệ. Và tất nhiên, giá cả thì cũng “rực rỡ” không kém. Thông thường du khách chỉ đổ xô vào mua các loại hàng hiệu đã có tiếng trên thế giới như Bossini, Versace đang trong giai đoạn “sale of” (giảm giá), còn lại thì đành “kính nhi viễn chi” vì không thể móc đến đồng tiền cuối cùng trong ví chỉ để mua một cái áo thun kiểu dáng cũng chẳng khá hơn những loại được treo đầy trong các cửa hàng thời trang tại Việt Nam. Cuối con đường Nam Kinh có một chợ tạm, trong đó bày bán thập cẩm đủ các món hàng. Và chúng tôi tá hỏa lên khi thấy trên tủ kính tạm bợ của cô bán hàng mắt một mí đặc sệt Trung Hoa là hàng dãy các vòng ngọc trai hình thức chẳng khác gì các vòng được quảng cáo trong công ty danh tiếng hồi chiều. Và để chứng minh ngọc trai thật, cô gái cũng có “bổn cũ soạn lại”: mài ngọc trai lên tấm kính. Giá của chiếc vòng bây giờ chỉ bằng 1/100 so với bảng giá đã niêm yết sẵn trong công ty!

Nói thách cũng là một dạng lừa đảo!

Tại Bắc Kinh, đoàn của chúng tôi được giới thiệu vào tham quan một cửa hàng chế tác vàng bạc đá qúy. Hàng loạt những quả cầu tròn xoe được bày bán trong các tủ kính sáng rực khiến du khách mê mẩn. Chất liệu bên ngoài của những quả cầu này là nhựa trong vắt, phía bên trong được vẽ bằng loại mực khó phai thể hiện các hình ảnh nổi tiếng của Trung Quốc như Vạn lý trường thành, quảng trường Thiên An Môn, cung điện Từ Hy Thái Hậu... Để hấp dẫn du khách, một cô gái Trung Quốc trẻ măng, chỉ khoảng 18 tuổi, đang ngồi say mê vẽ vời phía bên trong quả cầu bằng những bút lông nhỏ tí ti. Nếu cần ghi tên bằng các ngôn ngữ khác nhau trên thế giới, bạn chỉ cần viết ra giấy, cô gái sẽ viết đúng theo ngôn ngữ của nước bạn. Bên cạnh chúng tôi, đám du khách người Nhật háo hức mua một loạt các quả cầu tròn với lời đề tặng cho bạn bè và người thân ở nhà. Du khách Việt Nam cũng bắt đầu rục rịch mua. Cái trò mua bán kỳ lạ như vậy, như một căn bệnh truyền nhiễm, nếu chỉ cần một vài người mua, không cần để ý đắt rẻ ra sao, mọi người còn lại đều đổ xô vào như sợ hết hàng. Giá của quả cầu biến động theo từng kích cỡ, có thể là 50 tệ, có thể là 100, rồi 200 tệ. Anh bạn đi cùng chúng tôi mua 2 quả cầu với kích cỡ nhỏ với giá 100 tệ/1 quả (tương đương 200 ngàn đồng). Rất hí hửng vì anh đã trả giá từ khởi điểm là 380 tệ, một niềm vui chính đáng! Nhưng niềm vui của anh chuyển thành nỗi cáu kỉnh khi sang thành phố Thượng Hải, trong một quầy nửa siêu thị, nửa mậu dịch quốc doanh, một quả cầu tương tự to chình ình, dễ thường phải gấp 5 lần quả cầu anh bạn đã mua nhưng chỉ với giá 20 nhân dân tệ. Không nói ra thì ai cũng đoán được rằng, số tiền mà anh đã mua hớ nhiều đến mức ... tức muốn đấm ngực mà chết!

Tại quán trà Nhật ở Bắc Kinh, du khách được uống miễn phí các loại trà với lời quảng cáo mát gan, bổ thận, tăng cường sinh lực và mùi thơm thì quyến rũ phải biết. Cô gái người Trung Quốc đúng kiểu “mỏng mày hay hạt” pha trà (và đương nhiên kiêm nhiệm bán trà) hướng dẫn chúng tôi uống trà theo phong cách sành điệu, môi chúm chím lại, mỗi một ngụm là phải “rít” lên thành âm thanh như đang ở trong hoàn cảnh “tiếng gọi nơi hoang dã”. Cô nói liến thoắng bằng ngữ điệu địa phương, miêu tả rằng trà đạo Trung Quốc tại Phúc Kiến được gọi bằng tên trân trọng nhất: quốc trà. Vị ngọt của trà, hương thơm của trà trứ danh đến nỗi du khách sau khi đi về nước rồi, muốn quay lại mua nữa mà không có điều kiện. Chỉ cần nghe đến vậy thôi, bà con đi cùng mua trà hết hộp này đến hộp khác. Giá của mỗi hộp trà là: 400-700 nhân dân tệ. Bạn cứ hình dung đi, bỏ 800 ngàn đến 1,4 triệu đồng để mua hộp trà về uống mỗi buổi sáng vội vàng đi làm, sẽ lích kích biết chừng nào. Một người trong đoàn đi cùng chúng tôi đã than rằng: “Tưởng chỉ có giá thuốc ở Việt Nam là trên trời, hóa ra giá trà ở Trung Quốc mới thật sự ... lãng xẹt!”

Mọi việc vẫn chưa dừng lại ở mức đó. Đối diện quảng trường Thiên An Môn nổi tiếng, là một nơi quảng cáo cho con bì hươu. Du khách vào trong đó bị dồn vào một góc rồi nhân viên ở đó đóng cửa lại, bắt phải nghe quảng cáo về con bì hươu và đương nhiên, lời khuyên là nên mua con vật này mang về nước cho hên! Bì hươu là một con vật huyền thoại, không có thật, cũng giống như mọi truyền thuyết về con rồng vậy. Theo lời của nhân viên hướng dẫn, bì hươu ăn vào đủ mọi thứ nhưng lại không có ... bộ phận tiêu hóa. Tóm lại, “ngài” bì hươu này có “đầu vào” nhưng không có “đầu ra”. “Ngài” tiêu hóa bằng cách thải qua da mọi thứ không cần thiết cho cơ thể. Bì hươu là một con vật lai nhiều động vật khác nhau: ngựa, hươu, nai, rồng... Và cũng giống như món trà đạo chúng tôi đã nhắc ở phía trên, bì hươu cũng được quảng cáo là con linh vật đại diện cho quốc thể. Uy ban vật giá nhà nước đã đóng dấu niêm phong giá cho từng con vật, lại nữa, đã là linh vật thì không thể trả giá được. Cả đoàn chúng tôi rất bất bình vì cách “quây” du khách vào trong phòng rồi đóng lại chẳng khác kiểu “cơm tù” ở miền Trung, lại thắc mắc rằng tại sao Uy ban vật giá nhà nước lại can thiệp vào giá cả của những con vật được xếp vào hàng lưu niệm và là con vật linh thiêng trong tâm tưởng của người dân khu vực, đặc biệt là những quốc gia chịu ảnh hưởng văn hóa phương Đông?! Bạn đọc có hình dung được không, một con bì hươu làm bằng đá bé tí xíu có giá 500 đô la Mỹ, những con lớn hơn thì giá cả ghê hơn nhiều: từ 2.000 đến 5.000 đô la Mỹ!

Một kiểu kinh doanh trên kinh doanh!

Thành phố Thượng Hải về đêm.
Công ty du lịch Viettravel, nơi tổ chức các chương trình du lịch mang tính chuyên nghiệp hóa ra cũng... chuyên nghiệp trong cả khâu moi tiền của qúy khách. Khi chúng tôi về đến thành phố Quảng Châu, hướng dẫn viên du lịch gợi ý rằng nên đi tàu điện ngầm để xem hệ thống giao thông dưới lòng đất của nước bạn như thế nào. Vì chuyến tham quan này không nằm trong chương trình nên hướng dẫn viên quy định mỗi qúy khách phải trả 50 Nhân dân tệ. Mọi người đang chần chừ chưa biết có nên đi hay không thì trời cũng đã vào đêm nên chuyến đi dưới lòng đất bị hoãn lại. Sáng ngày hôm sau, tôi đi bộ một mình xuống hệ thống tàu điện ngầm gần khách sạn và ... tê tái khi thấy giá đi tàu điện ngầm suốt tuyến chỉ có 2 Nhân dân tệ mà thôi. Thử làm con số cộng 50 Nhân dân tệ với 40 du khách đi trong đoàn để thấy rằng hướng dẫn viên du lịch đã bỏ túi được bao nhiêu tiền?!

Cũng với chiêu thức đó, hướng dẫn viên đã tổ chức chuyến đi Thẩm Quyến “ngoài luồng” cho một nửa du khách trong đoàn Việt Nam. Giá tiền được tính là 70 đô la Mỹ/người. Khi tôi hỏi người thân của tôi ở bên Quảng Châu là giá đi như vậy đã hợp lý chưa, chị Liễu, một nhân viên kinh doanh trong một công ty thời trang may mặc đã nói rằng, chỉ cần một nửa số tiền như vậy, du khách đã đi được đến nhiều nơi ở Thẩm Quyến rồi!

Đó là chưa tính đến chuyện đi bất cứ nơi nào trong hệ thống du lịch khắp Trung Quốc, hướng dẫn viên Việt Nam và Trung Quốc đều được hưởng hoa hồng (phần trăm chiết khấu) khi có khách mua hàng. Hàng mua càng nhiều, hoa hồng càng cao. Nên hướng dẫn viên thi nhau “hót” rất hay về giá trị cũng như công dụng của món hàng trong các cửa hàng được đưa đến. Còn du khách thì luôn ngậm đắng nuốt cay về những món hàng bị mua theo ... quán tính. Vậy mà trước khi ra về, ai cũng phải góp tiền lại để “bo” cho các hướng dẫn viên vì sự “tận tình” của họ. Và người nào cũng tấm tắc khen rằng, với những dịch vụ “chém đẹp” như thế, với những nhà vệ sinh bẩn thỉu kinh khủng, ngay cả là dưới chân Vạn lý trường thành lịch sử, ngành du lịch Trung Quốc đã quá thành công khi thu hút hàng triệu du khách nước ngoài mỗi tháng, vượt qua cả những quốc gia xanh -sạch-đẹp như Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Trên máy bay bay từ Quảng Châu về đến TP. Hồ Chí Minh, du khách Việt Nam lại tâm sự với nhau rằng, hoa hồng vốn dĩ là biểu tượng cho tình yêu nồng thắm, nhưng với sức hút của đồng tiền, thì hoa hồng lại phải khoác trên mình một nghĩa vụ cao cả hơn: móc túi tiền của người này chuyển sang người khác một cách công khai. Làm dịch vụ du lịch như thế có thể nào được coi là giữ “chữ tín” trong lòng du khách?

No comments: