TT - Em là người thầy lớn nhất của tôi. Người thầy dạy tôi tình yêu thương, lòng vị tha, niềm tin vào cuộc sống này...
Em tôi sinh ra trong tiếng thét hãi hùng của mẹ và những giọt nước mắt lặng lẽ của ba. Lúc đó tôi đã lên 10, không chịu lại gần em dù ba mẹ có nói gì. Một mắt em hỏng hoàn toàn, mắt còn lại thì kém, mỗi lần nhìn em phải ghé sát vào. Lúc đó trông em rất ngờ nghệch, hai chân em luôn dính chặt vào nhau.
Ba mẹ lao vào làm việc nhiều hơn. Tôi biết ba mẹ phải làm việc nhiều hơn vì chi phí cho em ngày một tăng. Mọi việc chăm sóc em đều phó thác cho cô giúp việc ít nói. Thỉnh thoảng ba mẹ mới về sớm, lúc đó ba xem bài vở của tôi, còn mẹ tắm cho em. Được mẹ tắm là niềm vui lớn nhất của em. Lúc đó em tha hồ nghịch nước mà không sợ cô giúp việc càu nhàu hay tôi lừ mắt hăm dọa. Tháng ba mươi ngày cô ấy tắm cho em là y như rằng ba mươi lần em khóc thét. Trừ những lúc ấy, thời gian còn lại em rất ngoan.
Em lên 7 tuổi, ba mẹ giao cho tôi nhiệm vụ dạy em học. Không hiểu sao trong tôi luôn ghét em như ghét kẻ mang bất hạnh đến gia đình mình. Ba mẹ vắng nhà nhiều hơn, cũng ít nói cười hơn. Tôi luôn bị bạn bè trêu chọc. Tôi ghét em, vậy mà em vui mừng khi ở bên tôi. Em lén vuốt tóc tôi khi tôi cúi xuống cầm tay em đưa chữ. Tôi đã đét vào tay em và phạt em vì lơ đễnh học hành. Đến giờ tôi vẫn không quên được vẻ mặt sợ hãi của em, cái nhìn không hề trách móc khi bị tôi đánh đòn.
Tôi càng ghét em hơn khi ba mẹ khen em thông minh và luôn động viên em. Em học rất nhanh, chữ viết luôn cẩn thận, rõ ràng chứ không loàng quàng như tôi. Tôi nhớ mình đã giật phắt hộp chì màu ba mua cho hai chị em nhân ngày 1-6. Em co rúm người lại, lắp bắp xin lỗi nhưng tôi đã quay mặt đi. Trong tôi lúc nào cũng chỉ nghĩ đến việc xa lánh người em ruột thịt của mình, em không biết gì, được gần tôi là em vui.
Mọi việc có lẽ sẽ vẫn như vậy nếu không có ngày 20-11 năm ngoái. Mẹ về sớm đưa em đi khám vì dạo này em yếu đi nhiều. Tôi mải chơi với bạn, về thấy trên bàn mình tấm thiệp của em. Em đã làm thiệp cho tôi - cô giáo miễn cưỡng, xấu tính của em. Tấm thiệp bằng giấy A4 ấy mặt trong là bức tranh em vẽ cảnh hai chị em học bài, phía dưới là dòng chữ: “Em yêu chị nhiều lắm!”.
Cầm tấm thiệp mà tôi khóc thật to. Tôi vào phòng em, căn phòng mà tám năm nay tôi chưa hề đặt chân vào. Chiếc cũi em nằm tám năm nay đặt ở giữa phòng, xung quanh là những búp bê cụt tay, những con thú bông nhàu nát tôi đã vứt bỏ. Trên tường mé cửa sổ là hai bức tranh. Một vẽ cảnh cả nhà ngồi ăn cơm, một bức là cảnh mẹ đang tắm cho em. Tất cả đều vẽ bằng bút chì xám. Em chú thích từng hình ảnh một. Đám mây màu trắng, cửa sổ sơn xanh, cả chiếc áo vàng tôi thích nhất nữa.
Ông bác sĩ đáng ghét bảo em bị ung thư giai đoạn cuối. Mẹ nghỉ làm hẳn để ở nhà trông em. Tôi cũng loay hoay bên cạnh, bỏ hết việc đi chơi với bạn. Em vui lắm. Em bảo em thích ốm mãi thôi. Tôi cũng mong em ốm mãi nhưng cứ sống bên cạnh tôi. Tôi đau đớn khi thấy mắt em mờ dần đi, những ngón tay quắp lại bám vào thành giường, bám vào tay mẹ.
Tỉnh dậy sau cơn đau, em đòi ngay giấy bút. Tôi mang cho em hộp bút màu mà em như vẫn chưa tin. Em say sưa vẽ. Những ngón tay đã xanh gầy nay càng gầy xanh hơn. Em vẽ cảnh cả nhà đi chơi công viên. Ba nắm tay mẹ, chị nắm tay em. Cô em trong tranh có đôi chân dính chặt nhưng đứng vững trên mặt đất. Bức tranh màu đầu tiên đó cũng là cuối cùng của em. Tôi nắm bàn tay nhỏ xíu của em: “Tâm ơi, tha lỗi cho chị, tha lỗi cho chị!”. Em nhoẻn miệng cười. Bác sĩ bảo em không nghe được nữa…
Bây giờ em không còn, song em vẫn mãi là người thầy lớn nhất của tôi. Người thầy với những bài học về cuộc sống, dạy tôi tình yêu thương, lòng vị tha, niềm tin vào cuộc sống này, Tâm ạ!
NGUYỄN THANH THANH (Nghệ An)
Theo Tuổi Trẻ
No comments:
Post a Comment