Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ...
(Ông Đồ-Vũ Đình Liên).
Ông đồ trong bài thơ trên đây bày mực tàu giấy đỏ để hành nghề viết mướn, bán chữ cho khách qua đường. Nghề của Ông không cần đến những văn chương chữ nghĩa cao siêu. Bất quá là những chữ phổ cập trong đại chúng như:"Phúc, Lộc, Thọ, Kim Ngọc Mãn Đường v.v.... Tuy nhiên những chữ này phải được viết thực đẹp để có thể mang về nhà dán lên vách, lên cột như những bức tranh. Yêu cầu về nghề nghiệp của Ông đồ này là phải có hoa tay:
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay
Muốn viết được thứ chữ như phượng múa rồng bay đó, người viết cần phải có một Thư Pháp.
THƯ PHÁP (Calligraphy-callégraphie) là cách viết chữ đẹp-một trong những bộ môn nghệ thuật rất trí tuệ và tao nhã.
Cách đây hơn 35000 năm, người tiền sử đã để lại nhiều bức vẽ đầu tiên trong các hang động. Nhưng nếu chỉ biết vẻ thì chưa đủ trí tuệ để đưa con người thoát ra khỏi thời kỳ ăn lông ở lổ. Chỉ đến khi chữ viết xuất hiện mới chứng tỏ con người đã có một bước ngoặc để tiến vào những nền văn hóa, văn minh.
Chữ viết nảy sinh từ nhu cầu làm sổ sách, kế toán, những văn tự xưa nhất dưới dạng ký hiệu xuất hiện ở vùng đồng bằng Mesopotamia vùng Trung Cận Đông vào khoảng 4000 năm trước tây lịch. Chữ Hán của người Trung Hoa xuất hiện chậm hơn vào khoảng 2000 năm trước tây lịch. Huyền thoại về chữ viết của người Trung Hoa cho rằng người xưa đã quan sát dấu chân chim, chân thú để lại trên tuyết hay trên cát mà sáng tác ra dạng chữ Hán. Trong số những dấu tích xưa nhất của chữ Hán, có thứ chữ khắc trên mai con Rùa gọi là giáp cốt văn mang nội dung của Kinh Dịch được xác định niên đại vào khoảng từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XI trước tây lịch. Nghe nói sau này, ở Trung Quốc có học giả Quách Mạt Nhược là người có thể đọc và hiểu được thứ giáp cốt văn ấy.
Chữ viết của người Nhật có từ thế kỷ thứ V trước tây lịch, có nguồn gốc từ chữ Hán, do người Trung Hoa đưa vào qua Kinh Phật. Trong một thời gian dài đến XIII thế kỷ, người Nhật đã phải sử dụng chữ Hán. Mãi đến đầu thế kỷ thứ IX, một số các mệnh phụ phu nhân trong triều đình sáng tác ra một kiểu chữ riêng gọi là Hiragama, mượn từ chữ Hán nhưng đơn giản hóa đi nhiều và tạo ra hình kiểu Nhật Từ những từ như thế, Hán truyên và các nhà ngữ học tiên phong của nước ta đã sáng tác ra chữ Nôm.
Ở phương Tây, chữ Anh, chữ Pháp bắt nguồn từ các cổ tự Arập, Hy Lạp. La Mã. Tại thư viện Charles Quint, còn lưu trữ những văn bản viết theo kiểu tràng giang đại hải, câu chữ viết liên tục, không có khoảng cách giữa các từ hoặc các chương. Mãi đến năm 1637 nghề in đã phát triển ở Châu âu mới thấy xuất hiện lần đầu một quyển sách “ thông minh” được trình bày theo quy cách hiện đại. Đó là quyển Phương Pháp Luận ( Discours de la Méthode) của René Descartes viết bằng tiếng Pháp.
Như thế, chữ viết là một quá trình phát triển phức tạp và lâu dài, xem ra nhân loại đã tốn không biết bao nhiêu trí tuệ và tâm huyết.
Song song với việc sáng tạo ra con chữ, người ta còn phải sáng tạo ra cách viết chữ.
Lúc đầu và đơn giản nhất là dùng ngón tay viết trên cát hay trên mặt đất. Muốn giữ lâu hơn thì viết lên những tảng đất sét, tảng đá, trên gỗ. Người Trung Hoa thời xưa chép sử trên những mảnh tre. Người Bà La Môn chép kinh bằng cách dùng bút lửa viết lên phiên lá bồi, da dê. Khi đã phát minh ra giấy thì dùng bút lông, bút cây, bút tre, bút sắt, bút bi.
Và bây giờ, trên máy vi tính chữ viết không đươc tạo hình bằng bút mà bằng “bit”.
Bất cứ thứ chữ viết và cách viết nào lúc đầu cũng phải xuất hiện dưới dạng chân phương. Khi mọi người đã quen tay, quen mắt người viết mới chú ý đến cách trình bày đẹp hơn. Cách viết chữ đẹp dần dần được nâng lên hàng nghệ thuật, tức là thư pháp. Trong thư pháp, người viết gửi gắm “ Cái tôi” của mình vào đó rất nhiều. Cái gửi gắm vào đó không chỉ có hoa tay mà còn có cái thần ( Spirit). Do đó, người không có bảng sắc tâm hồn và cá tính mạnh mẽ thì không thể có một thư pháp. Trung Quốc là một nước có nhiều nhà thư pháp lớn. Trong số đó nổi tiếng nhất là Vương Hy Chi đời Tần. Sách Tần thư chép: năm Vĩnh Hòa thứ 9 ngày mồng ba tháng ba họ Vương cùng 41 danh sĩ đương thời họp mặt ở Lan Dinh huyện Cài Kê tỉnh Chiết Giang nhân dịp này Vương Hy Chi tự tay viết bài Tự Tập Thành 28 hàng 324 chữ đẹp đến nổi mọi người điều mê mẩn.
Sau Vương Hy Chi đến Vương Duy đời Đường, tài tử đại gia Tề Hoàng Mế Sái đời Tống.
Sau này, tiểu thuyết gia Kim Dung giàu tưởng tượng còn đem cả kiếm thuật, võ thuật vào thư pháp, thêu dệt nên lắm chuyện ly kỳ trong Hiệp Khách Hành hoặc Cô Gái Đồ Long.
Võ lâm chí tôn, bảo đao Đồ Long
Hiệu lệnh thiên hạ…
Gạt bỏ những điều bịa đặt hoang đường, cái có thực trong các câu chuyện trên là một nghệ thuật thư pháp đã đạt đỉnh cao của người Trung Hoa
Người Việt Nam có Cao Bá Quát là một nhà thư pháp thuộc hàng đệ nhất danh gia. Bạn đọc Áo Trắng đã có dịp nhìn thấy bút tích Cao Bá Quát được giới thiệu trong quán nói sách của ông đồ số xuân Bính Tý vừa qua.
Còn hiện nay thì có giai thoại về thư pháp của nhà thơ Hoàng Trung Thông. Hồi đó, nhà thơ Hoàng Cầm mở quán bán rượu nếp làng Vân ở Hà Nội, Hoàng Trung Thông vốn sinh rượu vào đấy uống say mèm trong cơn đại tuý, Hoàng Trung Thông đứng dậy viết lên vách tường của quán rượu một chữ TỬU tuyệt đẹp. Tiếc rằng thư pháp của ông ngoài một chữ TỬU ấy không biết còn để lại những gì nữa chăng?
Chữ quốc ngữ mà chúng ta đang dùng tuy là thứ văn tự non trẻ và mang ký tự La Tinh nhưng càng ngày càng có nhiều người viết nâng lên ngang hàng thư pháp. Chèo Võ Sông Trăng của Minh Đức Triều Tâm Ánh là một dạng thư pháp chữ quốc ngữ mang nét chữ Latinh và cái thần của thư pháp Trung Hoa. Lối chữ của Trịnh Công Sơn dùng để chép lời trong các bản nhạc của anh cũng là dạng thư pháp được nhiều bạn trẻ ưa thích bắc chước viết theo khá giống.
Có người cho rằng thư pháp là bộ môn nghệ thuật cao minh hơn hội họa một cái đầu. Điều đó thì chưa thể khẳng định. Có điều ngày nay tranh là một mặt hàng đại trà trên thị trường còn thư pháp, thư hoạ thì khó kiếm hơn nhiều. Người biết viết đã hiếm và người biết thưởng thức cũng hiếm.
NGỌC THANH VỚI THƯ PHÁP
Có một lần vừa bước chân vào tầng 5 Siêu thị Nhật Nam trên đường Nguyễn Trãi tôi chợt sững lại khi bắt gặp một câu thơ của Xuân Quỳnh được viết trên giấy dó có hai nẹp ngang trên - dưới, có giây treo đang ngự trị ở gian hàng mỹ nghệ. Chữ viết rất đẹp, bay bướm và rõ ràng: “ Chỉ có thuyền mới hiểu biển mênh mông nhường nào. Chỉ có biển mới biết thuyền đi đâu về đâu ” . Dù câu thơ này tôi đã thích và đã thuộc từ lâu, nhưng sao khi nó được trình bày như một bức tranh bằng chữ tôi vẫn thấy xúc động vì giờ đây nó trông sinh động hơn, trang trọng hơn và hiện hữu hơn.
Có rất nhiều câu thơ, câu châm ngôn hay được viết trên những tấm mành bằng giấy bản, bằng cói, bằng tre, trúc… treo trong nhà, văn phòng, cao ốc hay thậm chí đường phố làm cho tư tưởng của con người vốn là thế giới vô hình bỗng trở thành hữu hình vì nó hiển hiện trước mắt, tác động tức thời đến người xem, lay động những nơi sâu kín trong tâm hồn họ để tạo nên những cảm xúc mạnh mẽ và dài lâu.
Tôi đặc biệt thích bức thư pháp “ 14 điều răn của Phật” do Ngọc-Thanh viết:… Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu; Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình; Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là kém hiểu biết; Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng; Đáng khâm phục nhất của đời người là vươn lên sau khi ngã… Bản thân những câu này dù được ghi ở bất cứ đâu dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều có ý nghĩa truyền tải chân lý cuộc đời, giúp người ta tự răn mình. Và nếu đọc càng nhiều, ngẫm càng sâu sẽ càng ngấm. Có bức thư pháp treo trong nhà để ra – vô đều thấy là cách để đạt được điều đó vậy.
Có người nói không nên gọi viết chữ Việt là Thư pháp vì chữ Việt chỉ là chữ tượng thanh chứ không phải tượng hình như chữ Hán. Thậm chí trong Đại từ điển Tiếng Việt định nghĩa Thư pháp cũng là “Phép viết chữ Hán”. Có lẽ do có một thời gian dài đằng đẵng chữ Hán được dùng là quốc ngữ trong giới khoa bảng ở nước ta trước khi ký tự La tinh ra đời cũng như phép viết chữ Hán đã được nâng lên hàng nghệ thuật và là một thú chơi tao nhã ở Trung quốc với đủ kiểu cách nên mới có cách hiểu như vậy. Chứ thực ra theo Đại từ điển quốc tế lừng danh Webster thì Thư pháp ( calligraphy) là phương pháp và nghệ thuật viết chữ đẹp, cách điệu và biểu cảm mà nước nào có văn tự trên thế giới đều có, không riêng gì Trung quốc với loại chữ tượng hình.
Xuất hiện trong làng Thư pháp chữ Việt thành phố chỉ từ năm 2001 đến nay nhưng Ngọc-Thanh được đánh giá là một người viết có nét riêng, chân phương. Chữ của chị bay bướm, mềm mại nhưng bố cục vẫn rất mạch lạc và đặc biệt luôn rõ ràng, dễ đọc. Đó là điều mà đa số người thưởng ngoạn thích vì dù viết có cách điệu thế nào mà rối rắm, khó đọc ( có người dưới bức Thư pháp phải đánh máy những chữ đã viết để người đọc hiểu nghĩa) thì đã làm giảm rất nhiều vai trò diễn đạt của Thư pháp rồi. Ngọc-Thanh còn là người đặc biệt trong làng Thư pháp bởi những chữ những câu chị viết có tính tư tưởng và nhân văn rất cao, không chỉ trong phạm vi Việt ngữ mà còn cả Anh ngữ và Pháp ngữ . Chị cho biết từ nhỏ đã có thú sưu tầm thi ca, danh ngôn, hoa tư tưởng từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, chủ yếu viết bằng ba ngữ trên. Chị muốn viết chúng ra bằng cảm xúc của mình, thể hiện trên từng đường nét những con chữ để người xem thẩm thấu những tinh hoa của nhân loại. Để người đọc ngẫm lại mình, sống tốt hơn, có ý nghĩa hơn.
Trong hàng trăm, hàng ngàn những chữ những câu đã viết, có hai chữ mà Ngọc-Thanh tâm đắc nhất ở cách thể hiện. Đó là chữ Tâm” và chữ “Nhẫn”. Chị tự hào giải thích với người xem rằng dù viết bằng chữ Việt tượng thanh, chị cũng đã “vẽ” được các nét tạo nên chữ “Tâm” và chữ “Nhẫn” với hình tượng và ý nghĩa như “Tâm” và “Nhẫn” viết bằng chữ Hán tượng hình.
Chữ “Tâm” Hán tự có hình tượng ba chấm như ba vì sao trên một nét móc câu vòng ngang tựa nguyệt xế mà Nguyễn Du đã từng tả: “ nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời”. Chữ “ Tâm” Việt ngữ Ngọc-Thanh vẽ vừa có hình trái tim do chữ “ t” tạo thành vừa có hình tượng một nét móc câu (chữ t) dưới ba chấm ( nét gạch ngang của chữ t, dấu ^ trên chữ a và chữ m sau cùng) với hai biểu tượng: sự sáng đẹp của các vì tinh tú trên bầu trời đêm chỉ sự trong sáng của tâm hồn; một con thuyền và tay lái thể hiện ý chí quyết tâm vượt qua muôn vàn giông bão – là hai nghĩa của chữ Tâm trong Hán tự. Chữ “Nhẫn” trong Hán tự gồm bộ “Tâm” dưới bộ “Đao” như hình tượng lưỡi đao đâm vào trái tim. Ngọc-Thanh cũng thể hiện chữ “Nhẫn” bằng Việt ngữ với hình tượng y như vậy: trái tim được tạo thành bởi hai nét của chữ n đầu và n cuối. Nét sổ thẳng xuống của chữ h là lưỡi đao đâm vào trái tim.
Nếu người xưa từng phán” Văn dĩ tải đạo” thì nay ta cũng có thể nói “ Thư pháp dĩ tải đạo” . Một bức tranh Thư pháp chỉ thực sự có giá trị khi nó làm tròn được hai chức năng chủ yếu: giúp người xem cảm được vẻ đẹp của hình chữ và hồn chữ qua đó nâng cao tâm hồn họ để cuộc sống họ trở nên tốt đẹp và có ý nghĩa hơn. Vì thế, không phải viết thế nào (dù là chữ viết rất đẹp chăng nữa) cũng có thể được gọi là Thư pháp. Thư pháp là phép viết chữ không chỉ mang tính nghệ thuật mà còn phải đạt được hiệu quả là truyền đạt được tư tưởng và có tính biểu cảm, là phép vẽ tranh bằng chữ.
Bạn có thể thưởng ngoạn những bức tranh Thư pháp Ngọc-Thanh ở tầng 2 Art Gallery Tứ Cường số 183 Nguyễn Thái Bình – Q. 1; Không gian Mây số 82 Nguyễn Du – Q. 1 hay tại số 185/40 Phan Đình Phùng – Q. Phú Nhuận.
Thư pháp Việt Nam
Thấy các bạn lúc này hay tìm font thư pháp, rồi lò luyện Pháp thư - Nhân lúc "trà dư - tửu hậu" xin mạn phép góp bàn với các bạn vài điều về cái gọi là Thư pháp. Bản thân tôi thì chẳng biết nhiều về Thư pháp nên có gì không phải xin các vị cao nhân, tiền bối, huynh, đệ, tỷ, muội miễn xá cho.
Xin được giới thiệu với các bạn một bộ môn nghệ thuật đang phát triển ở Việt Nam, đó là môn Thư pháp.
Ở Việt Nam thuở xưa, vào mỗi dịp Xuân về, người dân hay đến nhà những « Thầy Ðồ » hay những người « hay chữ » để xin chữ về treo như một bức tranh, vừa là món đồ trang trí nhưng cũng vừa là món ăn tinh thần. Thầy đồ hay người hay chữ cho chữ bằng cách viết một hay nhiều chữ trên một tờ giấy lớn, với nội dung mang tính cách chúc tụng hay giáo dục, nét chữ thường được khen là đẹp như rồng bay phượng múa. Lối viết như vậy được gọi là Thư Pháp. Thư Pháp là phương pháp viết chữ (đẹp).
Bạn thử đọc các câu thơ trên để bạn hình dung thế nào là chữ đẹp. Thực ra thư pháp đâu phải là cái gì quá cao siêu đúng không ? Nếu ngày xưa các vị tiền bối có chữ viết RỒNG BAY PHƯỢNG MÚA gọi là viết chữ đẹp, thì ngày nay học sinh phổ thông từ tiểu học đã được dạy rất kỹ về thư pháp, cho nên khi lên đến trung học cơ sở (tức là cấp 2) thì chữ viết đã thành CUA BÒ RẮN LỘI rồi. Không tin các bạn cứ lật vỡ ghi của các em học sinh cấp 2 ngày nay ra xem - bất kỳ trang vỡ nào cũng có thể đóng khung để bán "tranh thư pháp".
Thư pháp là một môn nghệ thuật phát xuất từ Trung Hoa và đã được các nước Nhật, Triều Tiên, Việt Nam âm thầm chấp nhận và lặng lẽ duy trì.
Ðối với phương Tây, thư pháp được thực hiện bằng nhiều phương tiện : bút sắt, cọ, thước, compa, êke...Con chữ được nắn nót theo chuẩn mực và tỷ lệ. Ðó là cái đẹp của các con chữ theo thị giác người sử dụng hệ chữ La Tinh. Như vậy khi bạn sử dụng Word Art trong Winword đã là một kiểu thư pháp thời công nghệ thông tin rồi đó.
Ðối với người phương Ðông, nói đến môn Thư pháp, người ta thường nghĩ đến cách viết chữ Hán với phong cách đặc biệt... Với cây bút lông, mực và giấy người Trung Hoa đã đưa nghệ thuật viết chữ vươn lên đỉnh cao với lý thuyết phong phú, mang tính triết học, thiền học.
Ở Việt-Nam vào thời điểm nầy, có lẽ ngoại trừ một số người lớn tuổi thâm Nho mới đọc được chữ Hán, chữ Nôm, chớ còn hầu hết là không đọc được.
Bởi vậy tại sao ta không viết thư pháp bằng chữ Việt ? Viết chữ Việt cũng đẹp vậy, bởi vì sao giải thích được : « Sao là đẹp ? Sao là không đẹp ? » (KTS Nguyễn Thanh Sơn)
« Biết đâu cái gọi là đẹp đối với ta, chắc gì gọi là đẹp đối với kẻ khác !... biết đâu cái gọi là đẹp đối với ta bây giờ chắc gì gọi là đẹp đối với ta sau nầy” (Trang Tử).
Theo các bậc khoa giáp thời xưa, việc chọn một câu văn một bài thơ để viết lên trang giấy là việc cần hết sức cẩn trọng. Vì ngoài việc thể hiện nét bút tài hoa, năng khiếu viết chữ, nội dung một bức thư pháp còn cho thấy tư tưởng, kiến thức, tâm hồn của người viết. Khi cầm bút, ngoài thể hiện những đường nét rồng bay phượng múa, các thư pháp gia còn phải "nhiếp tâm" với những gì mình sắp sửa viết ra.
Phong trào viết Thư pháp bằng tiếng Việt đã được khôi phục một cách mạnh mẽ từ khoãng 10 năm nay. Tại Việt Nam nhiều Câu Lạc Bộ viết Thư pháp được thành lập trong các thành phố lớn, đã có nhiều "Thư pháp gia" tổ chức những cuộc triển lãm thư pháp như những hoạ sĩ triển lãm tranh vẽ. Tôi xin giới thiệu với bạn sơ lược về bộ môn nầy.
Mới nhìn qua, chúng ta có thể nghĩ là bộ môn nầy khá dễ, muốn viết sao cũng được, miễn cho đẹp thì thôi ! Thật ra môn Thư pháp cũng có nhiều qui tắc, sau đây là vài nguyên tắc chánh.
Mới nhìn qua, chúng ta có thể nghĩ là bộ môn nầy khá dễ, muốn viết sao cũng được, miễn cho đẹp thì thôi ! Thật ra môn Thư pháp cũng có nhiều qui tắc, sau đây là vài qui tắc chánh.
Chương pháp: tức là nguyên cứu phương pháp phân bố chữ với chữ, hàng với hàng, và các hàng với toàn bộ bức thư pháp. Một bức thư pháp thành công hay không là do ở chương pháp.
-Ðầu câu không thụt vô.
-Các hàng đều và dài bằng nhau
-Một chữ lẻ loi không đứng thành một hàng
-Khoảng trống ở hàng cuối không dài hơn phân nửa chiều dài của hàng
-Không dùng dấu chấm câu.
Hình dạng bức thư pháp: Có bốn hình dạng chánh
-Hình chữ nhật đứng (Trung đường)
-Hình chữ nhật ngang (Hoành phi)
-Hình vuông (Ðấu phương)
-Hình mặt quạt (Phiến diện) (coi hình dưới đâÿ)
Ấn chương (hay con dấu, con triện) là một nét văn hoá rất độc đáo của người Trung Quốc.
Ấn chương là một yếu tố quan trọng của một bức thư pháp hay một bức họa. Ðặt đúng vị trí, ấn chương tăng thêm gía trị của tác phẩm, ngược lại sẽ làm hỏng nó. Nghiên cứu kỷ ấn chương, người ta có thể giám định một bức thư họa là chính bản hay ngụy tạo.
Nguyên tắc khắc ấn triện là khắc chìm hoặc khắc nổi :
-Khắc chìm khi in ra có nét chữ trắng trên nền đậm.
-Khắc nổi, khi in ra có nét chữ đậm trên nền lợt.
-Loại nữa chìm nữa nổi
Vị trí đặt con dấu:
Trong các thư tác của người Trung Hoa xưa có nhiều vị trí được qui ước để đóng dấu như :
-Ðóng ở bên phải, phía trên thư tác gọi là Nhân chương
-Ðóng ở thắc lưng thư tác gọi là Yêu chương
-Ðóng ở phía dưới, bên trái thư tác gọi là Danh chương
Tùy theo thư tác có khổ lớn hay nhỏ, dài hay ngắn mà có thể đóng một, hai, hoặc ba dấu triện. Vị trí các dấu triện đều có ý nghĩa riêng của nó.
Thư pháp Việt ngữ không hoàn toàn theo qui ước đóng dấu của người Trung Hoa mà theo cách thực hành sau đây :
Khi tác giả vừa là tác giả nội dung (Ý) vừa là tác giả hình thức (Hình) ; hoặc tác giả Hình nhưng Ý là các câu văn thơ cổ (hết bản quyền) thì con dấu ở vị trí dưới, phải. Hoặc có thể thêm một dấu ở trên, trái như dấu treo. Như vậy được gọi là Toàn triện.
Khi tác giả Hình viết Ý của tác giả khác (văn, thơ...) nhưng chưa có sự đồng ý của tác giả đó thì con dấu của tác giả Hình đặt bên dưới, phải, còn bên trái ghi tên tác giả Ý và người viết phải ghi « thủ bút » hoặc « viết ». Vị trí nầy tạm gọi là Bán triện
Khi tác giả Hình viết Ý của tác giả khác (văn, thơ...) có sự đồng ý của tác giả Ý thì được quyền đóng dấu ở dưới, bên phải nhưng phải đề tên tác giả Ý phía trên cao, bên trái ; và người viết phải ghi chữ « thủ bút » hoặc « viết ». Vị trí nầy tạm gọi là Ðồng triện.
Trường hợp ngoại lệ : vì lý do bố cục mà người viết không thể sắp xếp được vị trí nơi đóng dấu thì được đặt dấu ở vị trí khác nhưng phải ghi rõ tác giả về Ý. Vị trí nầy tạm gọi là Ngoại triện.
Các kiểu chữ trong Thư pháp
Trong thư pháp việt ngữ hiện nay xuất hiện 5 kiểu chữ chánh:
Chữ Chân Phương, tạm gọi là Chân Tự, là cách viết rõ ràng dễ đọc, rất giống chữ thường.
Chữ Cách Điệu, tạm gọi là Biến Tự, là cách viết biến đổi từ chữ Chân Phương mà ra nhưng các chữ cái hơi được biến dạng một chút để tạo ra cái lối viết riêng của mình.
Chữ Cá Biệt, tạm gọi là Cuồng Thảo, là lối viết Thư Pháp mà người phóng bút « nhiếp tâm » giữa tư tưởng và quản bút. Lối viết chữ nầy thể hiện cá tính của người viết, nhìn vào kiểu chữ nầy, người xem dễ biết tác giả mà không cần phải xem bút ký. Kiểu chữ nầy thường viết liền lạc trong một nét nên khó đọc.
Chữ Mô Phỏng là lối viết mô phỏng dựa theo kiểu chữ của nước ngoài. Có người viết chữ Việt nhìn vào ngỡ chữ Tàu, hay chữ Ả Rập, chữ Campuchia, v.v...
Chữ Mộc bản là kiểu chữ giống như chữ khắc trên mộc hoặc như kiểu thợ sắp chữ của nhà in mà khi viết thì theo một phương pháp đảo lộn, khi xem phải dùng gương phản chiếu. Nhìn vào chữ có dạng Hán-Nôm nhưng đó lại là chữ Việt viết ngược.
Cũng là chữ Tâm nhưng các nhà Thư pháp lại múa ra nhiều kiểu khác nhau. Tùy hứng thú của mỗi người và có khi tùy vào yêu cầu của người xin chữ.
Ngoài ra trong một số tranh Thư Pháp còn có hình ảnh minh họa về thiên nhiên, trong đó phần tranh có thể chiếm khoãng không gian lớn hơn phần chữ. Với đặc trưng nầy Thư Pháp trở thành Thư Họa.
No comments:
Post a Comment