Nàng vừa tròn hai mươi mốt tuổi, không xinh lắm nhưng đủ duyên dáng để làm vương vấn một vài người. Trong nụ cười của nàng có chút hồn nhiên của trẻ nhỏ, vừa có sự kiêu hãnh của một cô gái đẹp - dù nàng luôn tự ý thức mình về thứ gọi là “nhan sắc”.
Nhưng nàng cũng không phải là người dễ cười hoặc dễ kết thân, bởi giống những người khác, nàng có những nguyên tắc sống của riêng mình. Có người bảo tính khí nàng thất thường, người khác nói nàng cứ quan trọng hóa lên chứ chuyện cũng chẳng có gì. Nàng mặc kệ! Có điều... không biết có phải vì sự thất thường đó (hay là trẻ con?) không mà nàng đánh mất Lâm. Anh bảo: “Anh muốn có một cuộc sống bình thường và yên ổn, nhưng em thì...”. Lâm không nói hết, song nàng hiểu. Nàng gật đầu, chấp thuận để Lâm được tự do.
Nàng là một nhà báo trẻ, mới ra trường nhưng đã có một công việc khá tốt ở tòa soạn. Dĩ nhiên, làm công việc của nàng thì trễ hẹn hoặc thất hẹn với Lâm là điều không khó hiểu. Lúc mới yêu nhau, anh còn thông cảm, còn chia sẻ, nhưng lâu rồi... chuyện cũng không được như ý muốn. Nàng buồn. Vì ít nhiều nàng vẫn còn yêu Lâm. Nhưng nàng không làm gì để níu kéo. Tính nàng vốn vậy. Thích gì, yêu gì thì yêu hết lòng; song khi nó không còn thuộc về nàng nữa thì nàng xòe tay để tự nó ra đi. Tình cảm là thứ không phải cố là được, càng không nên giữ khi nó không thuộc về mình. Cha nàng bảo: “Vừa vừa thôi con ạ, không rồi khó lấy chồng”. Nàng bật cười khanh khách: “Con chẳng cần! Con ở với ba. Thế chẳng vui hơn à?”. Cha nàng cũng cười: “Ừ... Mà có đứa nào đủ can đảm để lấy con chứ?”. Nàng thoáng phụng phịu, nhưng nhìn ánh mắt ba buồn quá, nàng lại lặng im.
Nàng lớn lên không biết mẹ mình là ai. Hồi bé, có lần nàng hỏi cha về mẹ khi thấy bọn trẻ con xung quanh có đầy đủ cả mẹ lẫn cha. Lần thứ nhất, cha nàng nói mẹ con đi vắng, một thời gian nữa mới về. Lần thứ hai, ông thở dài, không nói. Lần thứ ba, cha nàng quát: “Hỏi gì mà lắm thế, cái con lì này...”. Vừa quát, ông vừa đánh nàng. Nàng không khóc, trân trân nhìn vào dáng ngồi bất động của cha ở góc nhà. Sau, cha ôm nàng vào lòng, nén tiếng thở dài trong cổ họng: “Lớn lên con sẽ hiểu”. Đó là lần đầu tiên cha đánh nàng, cũng là lần cuối cùng nàng hỏi về mẹ. Hai mươi năm lần lượt đi qua, trong thâm tâm nàng vẫn luôn đợi một câu trả lời. Còn cha nàng, vô tình không biết hay cố ý không đụng đến, vẫn lảng tránh. Nhiều khi nàng cảm thấy giữa cha con nàng vẫn còn xuất hiện một khoảng cách.
Nhân nói nàng “sướng”, không phải sống trong cảnh “đô hộ” của gia đình (!), có đi đâu về muộn cũng đỡ bị kêu ca, kèo nhèo bởi ở nhà, mẹ Nhân luôn lo cho anh như vậy. Nhưng đó là lời của vài ba năm về trước, lúc anh mới quen nàng, và mẹ Nhân vẫn còn sống. Khi biết mẹ bị bệnh ung thư, rồi mất, Nhân trở nên trầm tính hơn, suy nghĩ cũng khác. Nàng không trách hay giận gì anh, bởi tính Nhân có khi hơi “phổi bò”, cứ tưng tửng thành câu thành chuyện chứ cũng chẳng để bụng chuyện gì. Học chung với nhau mấy năm đại học, nàng biết Nhân có tình cảm với nàng, song hồi ấy nàng đã có Lâm nên chỉ coi Nhân như một người bạn. Tuy Nhân không có ý kiến gì, nhưng nàng hiểu, Nhân lặng im thế là vì không muốn mất nàng. Ra trường, nàng và Nhân vẫn giữ mối quan hệ cũ dù chuyện công việc của anh không được như ý muốn. Nàng không cho rằng mình may mắn khi được nhận vào tòa báo, bởi nàng đã cố gắng hết mình. Ở đời, nàng là người không gặp may trong bất kỳ chuyện lớn nhỏ nào (hồi còn bé, nàng từng nghĩ, điều kém may mắn nhất trong cuộc đời nàng là không có mẹ), nàng cũng không tin rằng “số”. Nhân cũng thế. Hay là... chưa đến “vận”?
Thi thoảng Nhân gọi điện cho nàng, nửa đùa nửa thật: “Đã kiếm được chàng nào mới chưa?”. Có khi nàng cười, giòn tan. Có khi cáu kỉnh: “Bận bỏ xừ, thời gian nào mà yêu với đương”. Nói vậy nhưng trong đầu nàng lại nghĩ đến Lâm, lại quẩn quanh câu hỏi: “Lâm thì thế nào nhỉ?”. Lại thấy buồn cười.
Mùa đông. Sau chuyến đi công tác miền Trung dài ngày trở về, nàng bắt gặp đôi giày phụ nữ trên bậc cửa nhà mình. Trong phòng khách, cha nàng đang có khách nhưng khi nàng bước vào thì chẳng nghe được điều gì. Nàng gật đầu: “Chào cô”, rồi quay nhanh, xách đồ về phòng mình. Ngoài cửa sổ, trời đã về chiều, bóng tối xuống nhanh hơn nàng tưởng. Gió lùa qua song sắt, thổi tung chiếc rèm cửa. Chậu hoa tóc tiên trên bậu cửa ngả nghiêng. Mấy bông hoa hồng hồng nở từ lúc sáng, giờ rạp xuống như sắp gãy. Nàng đóng kín các cửa, leo lên giường định ngủ nhưng không hiểu sao hai mắt cứ ngó nghiêng lên trần nhà.
Nàng bật dậy, ngồi vào bàn, bật máy check mail. Có thư của Lâm gửi cho nàng từ mấy hôm trước. Anh nói vẫn thường nghĩ đến nàng. “Anh biết, người nào đã yêu em thì sẽ không quên được em, vì vậy anh chọn cách xa em”. Một trăm hai mươi mốt con chữ của anh làm nàng thấy xao động. Các mạch máu trong cơ thể nàng như căng ra, hai tay nàng buông thõng một cảm giác vô nghĩa. Bỗng nàng thấy mình trở nên yếu đuối, thèm được co người trong vòng tay rắn chắc của Lâm. Nàng nhắm mắt, cố nén ý nghĩ rằng mình sắp khóc.
Có tiếng cha nàng ở dưới nhà: “Ăn cơm nào... con gái...”. Nàng cắn môi, di chuột vào ô Delete. Lâm đã chọn tự do, nàng đã để cho anh được toại nguyện. Nàng búng tay cái tách, nhếch miệng cười, cứ để máy chạy như thế mà đi xuống nhà.
Gió mỗi ngày một nhiều hơn. Năm nay thời tiết bỗng khắc nghiệt hơn mọi năm trước. Cứ lạnh, cứ mưa, mưa chán thì hửng nắng một cách bất thường. Ngày này qua ngày khác, mây kéo nhau về thành từng mảng màu đùng đục, u ám. Nàng chạy xe trên đường, gió rít vào hai lỗ tai lạnh buốt. Chợt co vai rùng mình. Nàng cho xe dừng lại ở một quán cà phê, chọn một chỗ ngồi ấm áp rồi mới điện thoại về cho cha. “Về sớm nhé, lạnh lắm đấy!”. Nàng vâng vâng dạ dạ xong chuyển sang bấm số của Nhân. Nhân nói anh còn bận chạy qua nhà một người bạn, mười lăm phút nữa sẽ đến với nàng. Nàng ừ. Ừ một tiếng rất chỏng lơn vì có chờ một chút cũng chẳng sao, miễn là có người ngồi cạnh nàng vào lúc này, thế là đủ.
Hồi trưa, nàng lại nhận được mail của Lâm. Anh nói đang ở Sài Gòn, chắc phải nửa tháng nữa mới về. Lâm tính chuyển hẳn vào trong đó, dẫu sao ở Hà Nội cũng chỉ là làm đại diện, mà trong này sếp lại có vẻ cần anh. Nàng đọc một mạch hết thư, dường như thấy dửng dưng với thông tin đó. Không phải là nàng không nhớ đến anh nữa mà nàng đã bắt đầu quen với sự vắng mặt của Lâm trong cuộc đời mình. Lúc này, nàng không còn bị dằn vặt bởi ý nghĩ mình không yêu Lâm trọn vẹn, chưa yêu Lâm hết lòng như trước đây nữa. Nhớ khi nàng nói mình và Lâm đã chia tay, Nhân nheo mắt cười: “Thật không, để anh còn hy vọng... hay lại ba bốn ngày như lần trước...”. Còn cha nàng, khi biết tin nàng xin đi công tác, trầm ngâm một hồi: “Nếu đó là một cách giải quyết tốt thì con nên đi, khi nào thấy lòng bình yên hãy về”. Nàng đã chứng minh cho hai người thấy lời nàng nói là có thật. Đi rồi về, về rồi đi, vùi đầu vào một loạt công việc không tên khác mà lòng vẫn còn nổi trôi lắm. Cho đến cái mail vừa rồi.
Nhân đến. Trễ hẹn gần ba mươi phút. Không có nửa lời xin lỗi, chỉ có cái nheo mắt, cười theo thói quen và dúi vào tay nàng hai chiếc đĩa CD: “Saxophone của em đấy!”. Cái đuôi mắt kéo dài thành một đường thẳng. Tự nhiên nàng nổi cáu: “Thôi em về, hôm khác gặp”, đùng đùng bỏ đi trước cái nhìn tội nghiệp của Nhân và vài dấu chấm hỏi trong mắt những người ngồi gần cạnh. Cha nàng liếc khuôn mặt phụng phịu của con gái, cười lớn: “Rồi chẳng thằng nào dám rước con đâu”. Nàng nhăn mũi: “Còn lâu... Con mà đến nỗi vậy à”. Và nàng ngúng nguẩy bước đi, mặc đằng sau tiếng của cha nàng âm vang cả căn nhà: “Dù sao nó cũng là người tốt con ạ!”...
Lần thứ hai nàng gặp lại người đàn bà ấy trong nhà mình. Vẫn là sau giờ làm việc buổi chiều trở về nhà. Vẫn gặp đôi giày nâu nhỏ nhắn, nép mình trên bậu cửa. Nàng đi vào, “chào cô”, quay ra xách đồ ăn từ giỏ xe xuống bếp. Không phải ngẫu nhiên mà nàng đi qua đi lại phòng khách tới hai lần, bởi giống như tất cả mọi người, nàng cũng có tính tò mò. Hiếm khi nàng thấy cha tiếp khách là phụ nữ ở nhà, nhất là những người qua lại hơn một lần. Tóc cắt ngắn, mặt hơi tròn, da trắng, tuy không giấu được những nếp nhăn khi cười nhưng có vẻ trẻ hơn tuổi ngoài bốn mươi mà nàng thầm ước lượng. Đã nhiều lần nàng nói cha nên tìm một người để bầu bạn, ông cười trừ. Nàng cũng từng gặp một vài người bạn của cha song bao ngày tháng đã đi qua mà cuộc sống của cha con nàng vẫn không thay đổi. Nhà trên, tiếng trò chuyện khi to, khi nhỏ, rì rầm, im lặng càng khiến cho thính giác của nàng căng lên.
“Những khi nó ốm, nó mọc răng thì cô ở đâu... Sao khi đó cô không nghĩ gì...”. “Tôi xin anh... Có người mẹ nào muốn bỏ con... Nhưng nếu là anh thì anh có sống với một người mà mình không yêu không...”. Tiếng cha nàng không lớn, nhưng gay gắt. Tiếng “người kia” nhỏ nhẻ, van nài, xen lẫn cả tiếng khóc thút thít. “Qua đó... nó sẽ có mẹ có con...”. Nàng quay lui khỏi cánh cửa, cắn chặt môi. Thảo nào...
Tối đó, cha nàng đi ngủ sớm. Nàng cũng về phòng vào giờ nhất định như mọi ngày.
Nàng gọi điện cho Nhân, bảo: “Em buồn quá! Anh có bận gì không?”. “Đi đâu?”. “Đâu cũng được, miễn là không phải ở trong nhà”. Có tiếng anh cười trong máy: “Em có biết mấy giờ rồi không?”. Nàng nhìn đồng hồ. Mười hai giờ đúng. Dưới đường im lặng, chỉ vọng lại vài tiếng còi xe từ con phố rất xa. “Nhưng em buồn”. Nàng bướng bỉnh nhắc về nỗi buồn của mình lần thứ hai trong vòng vài phút (một điều mà những lúc bình thường rất hiếm gặp ở nàng). Đầu kia, Nhân im lặng. Rất lâu sau, anh khẽ khàng: “Khó khăn lắm anh mới nói được điều này, Linh ạ! Anh yêu em. Nhưng anh không muốn cứ khi nào em cần đến anh thì em mới gọi, nhiều khi còn phải chịu những cơn giận dữ vô cớ của em nữa... Cho anh xin lỗi...”. Nàng thẫn thờ buông máy. Đến Nhân rồi cũng đến lúc thấy mỏi mệt vì nàng. Nghĩ đến hai từ này, bỗng nhiên nàng muốn trào nước mắt.
“Linh này, ba muốn cho con biết một sự thật...”. Cha nàng bắt đầu câu chuyện với lời mở đầu như thế trong bữa ăn tối. Nàng cười một cách hồn nhiên: “Con biết cả rồi!”. Cha nàng nhướng mắt. Ngạc nhiên. Im lặng. Tiếng ông rất nhỏ: “Con có muốn đi không?”. Có vẻ run run. “Đi? Đi là đi đâu ạ?... Ba ăn đi, đừng nghĩ linh tinh làm gì”. Lặng im. “Con ở nhà, không đi đâu, cũng không lấy chồng, ba nuôi con, nhá!”. Nàng nháy mắt, phác một cử chỉ nghịch ngợm với hai chiếc đũa ăn cơm. Ba nàng lắc đầu. Trong lòng nàng thấy vui vẻ một cách lạ lùng.
“Này!”, ba nàng gọi giật giọng khi nàng quay trở về phòng -“Ba nghĩ Nhân là một đứa tốt đấy!”.
“Vâng... vâng... Con sẽ suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này!”.
Nàng nheo mắt nhìn cha. Chợt nhớ đến cái đuôi mắt dài như một đường thẳng.
Đinh Thu Hương
No comments:
Post a Comment