Cam Ngọt
Ra khỏi Hà Nội đến mấy chục cây số mà tôi vẫn chua tin là mình đang đi xa. Trong khi người đàn ông ngồi bên tôi đã kịp mang cam ra bóc. Chắc anh là người hay đi: vẻ mặt thản nhiên anh vừa bóc cam vừa thuyết minh thật rành rọt những địa điểm xe đang qua. Anh niềm nở mời tôi, mời mọi người trong xe ăn cam.
Đã lâu lắm chẳng có người đàn ông nào bóc cam mời tôi hay một cái gì tương tự.
Tôi vừa muốn giữ lại vừa thèm được ăn những múi cam ấy.
Có một mảnh đời khác như vừa thức giấc.
Tôi từ từ đưa múi cam lên môi.
Ngọt quá!
...
Gần mười năm nay tôi chẳng đi đâu. Bổn phận làm vợ, làm mẹ đã nhốt tôi trong cái lồng gia đình không khóa mà thật chặt.
Đêm qua tôi đã ngồi ghi gần hết hai trang giấy những việc cần làm trong mấy ngày tôi đi vắng cho hai bố con, thế mà tôi vẫn chưa yên tâm.
Gần mười năm đang từ người ưa đó đây tôi bỗng rất ngại đi. Chỉ đêm qua, cái cảm giác muốn đi trong tôi mới thật rõ ràng: hồi hộp, háo hức và sung sướng và tủi thân. Cả chồng cả con, chẳng ai thiết nghĩ đến chuyến đi của tôi. Hình như người đàn bà luôn cô đơn với chính mình và luôn phải tự vượt từ nỗi cô đơn này đến nỗi cô đơn tiếp theo. Tưởng như không bao giờ hết.
Hay đàn bà đồng nghĩa với cô đơn?
Lúc tối tôi cứ chờ xem con trai có nằn nì tôi ở nhà không nhưng học xong bài nó mang bàn cờ ra và rủ tôi chơi. Còn nhiều việc phải làm nhưng tôi vẫn chơi với con một ván và cố tình để mình thua. Mai nó sẽ ở nhà không có tôi.
...
Chúng tôi đến nơi lúc bốn giờ chiều.
Tôi được xếp ở chung phòng với một chị độc thân. Là tôi cứ gọi thế chứ không biết chị có độc thân thật không. Người chị như cằn đi vì dồn nén và ở chị vừa có vẻ tự tin của một người sẵn sàng đối phó với mọi thứ, vừa thoáng vẻ yếu đuối của người không được ai chở che. Tôi bỗng muốn được làm một cái gì đó cho chị.
...
Tôi dành rất nhiều thời gian "vi chỉnh" hai vòi nước nóng lạnh để được thật đúng độ ấm như mình muốn. ở nhà giờ này, khoảng năm giờ chiều, là lúc tôi hí húi bên cái bếp than tổ ong. Tôi hít không biết bao nhiêu lượng cacbon ôxít để chồng tôi có được cốc bia ở bữa cơm chiều, để sáng sáng thằng con tôi được ăn không phải cái bánh mì suông mà là có ít ruốc như nó vẫn thích. Chiều chiều, hai bố con tắm rửa sạch sẽ xong thì cũng là lúc mâm cơm đã dọn ra. Hai người đàn ông một từng trải, một ngây thơ cứ vừa ăn vừa kể với nhau đủ thứ chuyện, thật thoải mái.
Lúc ấy mới là lúc tôi được đi tắm.
Và khi tôi vào mâm thì cơm canh đã nguội, chẳng có ai để trò chuyện. Hai người đàn ông đã ngồi bên máy thu hình.
Vậy mà hôm nay, vào giờ ấy tôi lại đang được tắm. Mà lại tắm từ vòi nóng lạnh chứ không phải một gáo nước sôi đủ cho một chậu nước lã theo hình thức đong đếm, cổ xưa như chính ngôi nhà của tôi. Tôi tự nhủ: phải tranh thủ tắm thật đã trong những ngày ở đây.
Cộc... cộc... cộc...
- Các chị cứ ở đây, lúc nào đi ăn cơm chúng tôi sẽ gọi - Tiếng người đàn ông ấy thông báo.
Rồi bước chân anh dần xa.
Có người nào đó lo bữa cơm chiều cho tôi lúc không ốm đau?
Ba trăm sáu mươi nhăm ngày nhân với gần mười năm. Với những ngày bị băng huyết nằm đói chờ chồng đi làm về nấu cơm mà chồng thì về muộn vì... "phải đánh nốt ván cờ". Với những tháng ngày dài dằng dặc đi bốc thuốc rồi sắc thuốc cho chồng, mùi thuốc bệnh ngai ngái ngạt thở...
...
Chị bạn cùng phòng đã đi nằm.
Tôi mở cửa ra ban công. Ngoài kia là vườn cỏ cây nguyên sơ, gần như hoang dã. Những bông hoa dại trắng li ti cứ đung đưa đung đưa theo gió ru chiều. Rồi chuối, rồi đu đủ, rồi dứa dại, gặp đâu mọc đấy vô tư. Và cỏ, bạt ngàn những cỏ là cỏ. Giá tôi còn là tôi mười năm trước, chắc chắn tôi đã nằm lên cái thảm cỏ có mùi đất ẩm nồng và ngửa mặt hưởng cái bao la ngợp thở để thấy mình vô cùng nhỏ nhoi và đầy tự tin đến có thể giang tay ôm gọn cả bầu trời...
Nhưng trước hoàng hôn hình như đến hoang dã cũng phải buồn: những bông hoa trắng cứ nhạt nhòa và lẫn dần vào đêm.
Không hiểu giờ này có bao nhiêu người đàn bà được thấy những bông hoa dại ru chiều buồn và thấy chiều đang ngủ?
Có mùi hương trầm xa mà rất gần.
Nhà ai đó có việc hay đang cầu xin điều gì mà hương thơm da diết cả với người trần gian.
Tôi bỗng thấy như mình chẳng cần cho ai.
Hốt hoảng, tôi quay vào phòng đóng cửa lại.
Phạm Sông Hồng
1994
No comments:
Post a Comment