Hòn đảo cô đơn và bài học đau đớn
TT - Đảo Phục Sinh (Isla de Pascua) nằm cô đơn giữa Thái Bình Dương, xa bờ biển Nam Mỹ gần 4.000km về phía tây và hòn đảo gần nhất Pitcarim hơn 2.000km về phía đông nam. Vào ngày lễ Phục sinh năm 1722, thuyền trưởng Jacob Roggeveen, người Hà Lan, đặt chân lên đảo. Lúc đó trên đảo có khoảng 3.000 người đang sống trong tình trạng chiến tranh, với nguồn lương thực ít ỏi và một vùng đất trơ trọi không một bóng cây.
Những người châu Âu nhận ra dấu vết của một nền văn minh cao hơn đã từng phát triển trên đảo với gần 1.000 tượng đá khổng lồ. Moai, tên gọi những tượng đá khổng lồ được dựng trên Ahu - những bệ đá lớn, hay nằm ngả nghiêng trên những sườn đồi hướng ra biển. (Moai lớn nhất như El Gigante có chiều cao tới hơn 21m và nặng khoảng 150 tấn).
Sau hàng thập niên làm việc, một nhóm các nhà khảo cổ, nhân học và lịch sử tự nhiên đã vẽ nên một bức tranh về lịch sử thăng trầm của hòn đảo cô đơn và về những moai bí ẩn. “Mối tương đồng giữa những gì đã xảy ra nơi đây và những gì đang xảy ra trên phần còn lại của thế giới là “sự thật hiển nhiên, đau đớn và lạnh lùng” - như lời giáo sư địa sinh học Jared Diamond, tác giả cuốn Sụp đổ: các xã hội đã lựa chọn thành công và thất bại như thế nào, nói.
Khi những người Rapanui (tên gọi của thổ dân địa phương) đầu tiên đặt chân lên hòn đảo vào thế kỷ 7 sau Công nguyên, họ đã tìm thấy một hòn đảo phủ kín một màu xanh trù phú. Từ rakau trong tiếng Rapanui nghĩa là cây xanh và cũng có nghĩa là sự giàu có. Gỗ hiện diện trong mọi khía cạnh đời sống: làm nhà ở, đóng thuyền đi biển hay làm củi đốt để sưởi và nấu chín thức ăn. Các cư dân trên đảo Phục Sinh dành thời gian nhàn rỗi để tham gia các hoạt động tín ngưỡng và xây dựng những moai khổng lồ, họ cần nhiều gỗ để làm con lăn dịch chuyển những tượng đá hàng chục tấn từ nơi chế tác ra bờ biển. Và khi mà dân số tăng nhanh, cuộc chạy đua dựng tượng đá giữa các nhóm lợi ích làm gia tăng nhu cầu về gỗ thì diện tích rừng cứ giảm đi để nhường đất cho nông nghiệp.
Tới thế kỷ 15, những rừng cây trên đảo bị chặt hạ hoàn toàn, lớp đất màu mỡ phía trên bị rửa trôi và trở nên cằn cỗi vì mưa và gió biển, các con suối thì khô hạn. Không có cây để giữ đất và chắn gió, không có gỗ để xây nhà, thậm chí không có gỗ đóng thuyền để có thể tự giải thoát tới một miền đất khác, những cư dân đảo Phục Sinh bị giam chân trên hòn đảo nhỏ cô độc.
Khi hòn đảo trở nên trơ trọi không một bóng cây thì cũng là lúc nền văn minh Rapanui sụp đổ, con người lại trở về sống trong những hang đá tối tăm, lạnh lẽo. Những cuộc chiến tranh giữa các bộ tộc nổ ra, thời kỳ nô lệ trở lại và một số nhóm người thậm chí còn ăn thịt lẫn nhau để tồn tại. Dân số trên đảo bị giảm 20.000-30.000 người vào thế kỷ 15, xuống còn 3.000 con người thoi thóp sống khi được người phương Tây phát hiện vào thế kỷ 18.
Cũng giống như đảo Phục Sinh, Trái đất là một hệ thống cô lập và đơn côi giữa vũ trụ. Khi những người Rapanui lâm vào cảnh cùng quẫn, họ không thể di cư đến miền đất khác hoặc cầu cứu ai đó. Chúng ta cũng vậy, nhân loại không có một Trái đất khác để cầu cứu khi mà những vấn đề về môi trường sống trở nên trầm trọng hơn. Và nếu như Trái đất quá rộng lớn và lịch sử quá dài so với một đời người thì câu chuyện của hòn đảo Phục Sinh nhỏ bé liệu có đủ dễ hiểu để giúp con người hôm nay nhận thức về hậu quả của sự tàn phá môi trường đối với thế hệ mai sau?
NGUYỄN ĐỖ DŨNG (Calgary, Canada)
No comments:
Post a Comment